Xã hội
Hiệu quả mô hình quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VneID ở Phú Thọ
11:56 AM 06/03/2024
(LĐXH)- Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã tích cực triển khai mô hình quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VneID và bước đầu đạt được kết quả ghi nhận.
Trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” (Đề án 06), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ được giao triển khai thực hiện 02 mô hình đó là: mô hình triển khai tích hợp thông tin Sổ lao động điện tử trên VneID và mô hình quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VneID.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã tăng cường huy động các nguồn lực, giải pháp để thực hiện 02 mô hình, trong đó có mô hình quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VneID, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ thực hiện số hóa và làm sạch dữ liệu 50.290/66.239 đối tượng bảo trợ xã hội
Theo đó, đơn vị đã tập trung, quyết liệt, sâu sát, thống nhất để triển khai, điều hành, phối hợp đồng bộ và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các phòng, các đơn vị. Quá trình triển khai phải thực hiện đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao phục vụ mục tiêu phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc điểm, đặc thù của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ.
Cụ thể, đối với mô hình quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VneID, Phú Thọ đặt mục tiêu toàn bộ các đối tượng an sinh xã hội được số hóa, “làm sạch”, xác thực và triển khai chương trình theo dõi, giám sát, hỗ trợ cũng như bảo đảm chính sách cho các đối tượng an sinh xã hội trên một nền tảng thống nhất theo hướng dẫn của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, về lĩnh vực Giảm nghèo, đơn vị đã ban hành văn bản số 1975/SLĐTBXH- BTXH ngày 02/8/2023 về việc rà soát sửa đổi, bổ sung dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Trong năm 2023, tổng số hộ nghèo là 19.028 hộ, tổng số hộ cận nghèo là 15.483 hộ (hiện nay đang được tiến hành số hóa và làm sạch).
Về lĩnh vực Bảo trợ xã hội, Sở đã ban hành Văn bản số 1659/SLĐTBXH-BTXH ngày 05/7/2022 về việc thực hiện rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội. Đến nay, tỷ lệ số hóa và làm sạch dữ liệu bảo trợ xã hội là 50.290/66.239 đối tượng (đạt 75,92%).
Đối với lĩnh vực Trẻ em, thực hiện Chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2528/UBND-KGVX ngày 27/7/2022 về việc chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06, ngày 06/9/2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ ban hành văn bản số 2332/SLĐTBXH-TE về việc chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06. Kết quả, tỷ lệ số hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em là 230.859/335.986 trẻ em (đạt 68,7%).
Triển khai mô hình quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VneID, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã kịp thời các huyện, thành, thị thực hiện rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu về giảm nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em trên địa bàn theo quy định.
Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành việc kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Chí Tâm