Văn hóa - Thể thao
Doctor Sleep - Siêu phẩm kinh dị từ “ông hoàng” Stephen King
02:48 PM 09/11/2019
(LĐXH)- Một trong những siêu phẩm kinh dị chuyển thể xuất sắc nhất từ tiểu thuyết của Stephen King, phim vẫn được xem như phần hậu truyện của bộ phim kinh điển “The Shining” - một trong những phim kinh dị xuất sắc, mang tính biểu tượng và có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
Phim lấy bối cảnh 40 năm sau sự kiện kinh hoàng ở khách sạn Overlook trong “The Shining”, Danny Torrance (Ewan McGregor) nay đã trưởng thành, sử dụng năng lực của mình giúp những linh hồn sắp lìa bỏ cõi đời, an ủi những người sắp chết giúp họ có thể chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng và ra đi thật thanh thản. Cũng vì thế, anh được mệnh danh là “Doctor Sleep”. Nhưng Danny không phải là người duy nhất có khả năng thấu thị (còn được gọi là “shining”) này. Những người như anh, trong đó có cô bé Abra (Kyliegh Curran) trở thành mục tiêu săn đuổi của một thế lực hắc ám quyền năng - Hội kín True Knot. Họ miễn cưỡng hình thành một liên minh bất đắc dĩ để dấn thân vào một trận chiến sống còn.
True Knot là một nhóm người lang thang, sống dai dẳng lay lắt trong suốt dòng lịch sử của nhân loại. Để duy trì sự trường sinh, đám ác nhân này liên tục săn lùng, sát hại và “ăn” linh hồn những người thấu thị. Đặc biệt, mục tiêu của chúng là các thấu thị trẻ tuổi mang linh hồn thuần khiết. Linh hồn càng thuần khiết, “năng lượng” càng dồi dào. Tuyên ngôn của hội True Knot là “Live long, Eat well” (ăn ngon, sống lâu), cũng ám chỉ tôn chỉ và mục đích của hội.
Thủ lĩnh của hội kín này là Rose The Hat (Rebecca Ferguson) vốn là một thấu thị với sức mạnh ngoại cảm mạnh mẽ và tham vọng bất tử, luôn xuất hiện với chiếc mũ topper nỉ màu đen. True Knot cũng liên tục chiêu mộ các thấu thị trưởng thành với nhiều khả năng đa dạng (như điều khiển suy nghĩ, dịch chuyển đồ vật…) nhằm gia tăng sức mạnh của hội, giúp hội tiếp tục truy lùng những thấu thị khác.
Tiểu thuyết “Doctor Sleep” xuất bản năm 2013 đã được thời báo New York Times xếp vào danh sách các cuốn sách bán chạy nhất (Best Sellers), đồng thời giành giải Bram Stoker cho “Tiểu thuyết hay nhất” năm đó. Được coi là hậu truyện của tác phẩm kinh điển “The Shining” (1980), nhưng bản thân phim là một thực thể độc lập với một câu chuyện riêng, một cuộc phiêu lưu hoàn toàn mới.
Đạo diễn, tác giả kịch bản Flanagan cho biết: “Chúng tôi mong muốn bối cảnh sẽ vẫn là khách sạn Overlook vốn đã trở thành biểu tượng đó, vẫn là căn phòng 237 đó xuất hiện lại trên màn ảnh rộng, nhưng việc tái dựng lại những bối cảnh đó một cách chính xác tuyệt đối là điều bất khả thi. Nỗ lực để tái hiện lại những khung cảnh đó thật hoàn hảo sẽ mang lại cho khán giả cảm giác rằng chúng tôi đang cố bắt chước chứ không cho rằng đó là cách mà chúng tôi tôn vinh những gì từng được làm ra trong bộ phim trước.”

Điểm thú vị trong một số cảnh quay của phim, ánh sáng lập loè không phải được bố trí một cách ngẫu nhiên mà trong thực tế nó là một cách truyền dữ liệu bằng mã Morse. Một số “thông điệp” được truyền thông qua nguồn sáng đó bao gồm ngày sinh của Stanley Kurbirk, “REDRUM”, “Phòng 237” và “Cứ làm việc mà không hưởng thụ”. Danny Lloyd – nam diễn viên từng thủ vai Danny Torrance lúc nhỏ trong “The Shinning” – cũng có một màn xuất hiện chớp nhoáng trong bộ phim này.

Nếu “The Shining” đưa độc giả đồng hành trong hành trình tăm tối do chứng nghiện rượu gây ra thì “Doctor Sleep” lại đưa họ trở về với ánh sáng thông qua sự bình phục, hành động tự xả thân và chuộc lỗi. Doctor Sleep (Doctor Sleep : Ký ức Kinh Hoàng) ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 08/11.

Y.S