Lao động
Điều chỉnh kịp thời, tăng hiệu quả thực hiện chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
02:27 PM 11/07/2022
(LĐXH) - Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ-BNN nằm trong Luật BHXH, chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi người lao động đã điều trị ổn định thương tật, thiếu cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa. Vì vậy, không ít doanh nghiệp né tránh thực hiện nghĩa vụ. Khắc phục điều này, tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển từ Luật BHXH sang Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016); việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan BHXH thực hiện.

Nghị định số 88/2020/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 15/9/2020) quy định, hằng tháng, doanh nghiệp đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN với mức bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mức đóng sẽ chỉ còn 0,3% nếu đơn vị bảo đảm một số điều kiện (trong vòng 3 năm không bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự; chấp hành báo cáo định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động đúng thời hạn; tần suất TNLĐ giảm từ 15% trở lên/năm). Theo đó, đối tượng hưởng chế độ TNLĐ-BNN đã được mở rộng trên cơ sở phù hợp với đối tượng đóng BHXH, bao gồm cả người lao động làm việc theo mùa vụ, người lao động dưới 15 tuổi, lao động đã nghỉ hưu. Hằng năm, ngoài chi trợ cấp cho người bị TNLĐ-BNN, quỹ dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa bao gồm: Khám, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ-BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người tham gia; cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc. Đây là những điểm ưu việt, hướng đến bảo đảm an sinh cho hầu hết trường hợp tham gia lao động, sản xuất.

Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp khi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, miễn đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN cho người lao động trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng quỹ để phòng, chống dịch Covid-19.

Tăng cường các hoạt động huấn luyện về ATVSLĐ sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro về TNLĐ, BNN
(Ảnh minh hoạ)

Riêng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong năm qua, BHXH Ninh Thuận đã chủ động điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN bằng 0% cho 1.185 đơn vị (21.296 lao động) với tổng số tiền tạm tính được giảm mức đóng 12 tháng là khoảng hơn 6,5 tỷ đồng; Tiếp nhận và xác nhận kịp thời cho 7 đơn vị về danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc.

Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động, ngành BHXH chủ động phối hợp với các ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời kiến nghị với thanh tra lao động và UBND các huyện, thành phố xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nợ đọng, trốn đóng) liên quan đến chính sách BHXH ngoài thẩm quyền của ngành BHXH, bảo đảm mọi quyền lợi của người lao động.

Với trách nhiệm của ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Thuận tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ-BNN, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất.

 Trần Huyền

Từ khóa: Quỹ TNLĐ BNN bao