Xã hội
Chăm sóc người cao tuổi: Cần lắm những dịch vụ công tác xã hội
12:57 PM 15/01/2019
(LĐXH) Những ngày cuối năm giáp Tết Kỷ Hợi 2019, chúng tôi có dịp đến Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng 151 đối tượng, trong đó có khoảng 60 người cao tuổi. Các cụ đến đây mỗi người có một hoàn cảnh, song tất cả đều có tâm trạng chung muốn gắn bó với ngôi nhà này hết phần đời còn lại.
Chăm sóc đối tượng tại Trung tâm
Ông Bùi Trọng Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội Hải Dương là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở LĐTBXH, có chức năng tổ chức tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng và các hoạt động khác cho những đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có đối tượng là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi luôn được đơn vị quan tâm, đặc biệt là công tác chăm sóc y tế, chế độ dinh dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi cho người cao tuổi. Ngay khi tiếp nhận người cao tuổi vào chăm sóc, nuôi dưỡng, Trung tâm đều khám sức khỏe ban đầu, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và sắp xếp phòng ở phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tình trạng bệnh tật của từng người. Hàng ngày, Trung tâm bố trí cán bộ y tế thăm khám, kiểm tra sức khỏe để theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện kịp thời.
Về chế độ dinh dưỡng, do đối tượng người cao tuổi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe răng miệng, sức nhai kém, đồng thời các men tiêu hóa giảm nên thường hay bị rối loạn tiêu hóa, nên Trung tâm xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với các đối tượng người già. Việc xây dựng thực đơn trên cơ sở thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe hàng ngày, đảm bảo phù hợp chế độ, khẩu phần ăn của đối tượng. Hàng ngày, cán bộ y tế kiểm tra chất lượng thực phẩm, lưu mẫu thức ăn sống, chín đảm bảo chế độ, dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người cao tuổi nói chung và người cao tuổi được nuôi dưỡng tại Trung tâm nói riêng thường ít ngủ và có rối loạn về giấc ngủ với các rối loạn thường gặp như:  Ngủ gật vào ban ngày, ít ngủ về đêm, ngủ không ngon giấc, dễ tỉnh giấc vì một tiếng động nhỏ. Vì vậy, Trung tâm đã tập luyện thói quen tốt cho đối tượng như động viên ngủ và dậy vào những giờ nhất định, ngủ sớm và dậy sớm tốt hơn ngủ muộn và dậy muộn, không để đối tượng xem ti vi quá khuya. Sắp xếp khu ở cho người cao tuổi tại một dãy nhà riêng để hạn chế thấp nhất những tiếng ồn, đảm bảo chỗ ngủ yên tĩnh, thông thoáng về mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Cán bộ nhân viên trung tâm ân cần chăm sóc người cao tuổi
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lí, người cao tuổi cần xây dựng đời sống tinh thần khỏe mạnh. Người ta thường nghĩ rằng người cao tuổi cần được nghỉ ngơi nhiều, nhưng chính sự không hoạt động lại không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, Trung tâm luôn tổ chức cho đối tượng vận động nhẹ nhàng, đi bộ hoặc tập luyện thể dục, các hoạt động vui chơi, giải trí như: văn nghệ, cầu lông, phục hồi chức năng phù hợp giúp người cao tuổi tránh thoái hóa khớp và tăng cường sức khỏe cho bản thân. Cơ thể năng vận động sẽ hoạt động hài hòa, đem đến cảm giác dễ chịu, vui tươi, trí óc sáng suốt. Ngoài ra, Trung tâm cũng động viên người cao tuổi nên làm những việc như dọn dẹp nhà cửa nhẹ nhàng, chăm sóc cây cối, nghỉ ngơi kịp thời ngay khi thấy mệt.  Ngoài ra, Trung tâm còn tích cực liên hệ, phối hợp với một số tổ chức, hội từ thiện đến thăm hỏi, nói chuyện,  giao lưu và hỗ trợ xoa bóp, bấm huyệt... cho các cụ, động viên các cụ bớt mặc cảm, sống vui khoẻ, lạc quan, yêu đời hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà Thị Hải Yến, Trường phòng Quản lý- Chăm sóc đối tượng của Trung tâm cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm chăm sóc của các cấp, các ngành ở trung ương và tỉnh Hải Dương, đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội tại trung tâm, trong đó có người cao tuổi được cải thiện. Song bên cạnh đó, việc chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng vẫn gặp nhiều khó khăn, như đối tượng người cao tuổi đa dạng, nhiều người thiểu năng trí tuệ, già lẫn, không còn minh mẫn, thậm chí không tự phục vụ sinh hoạt bản thân được, từ vệ sinh tắm giặt, ăn uống phải có cán bộ phục vụ. “Khi cán bộ đưa các cụ đi tắm thì rất vất vả, ngay cả việc uống thuốc cũng vậy, rất khó khăn.  Đối với các cụ không có gia đình đón về quê ăn tết thì trung tâm tổ chức cho các cụ ăn tết đầm ấm, đầy đủ. Đội  ngũ cán bộ cắt cử nhau trực tết, không có cán bộ nào được nghỉ, gắn bó với nghề này phải có lương tâm, nếu tính mức lương với công sức bỏ ra thì không thể so sánh được”, chị Yến tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Dẻo, 73 tuổi, xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương vào Trung tâm được 2 năm. Hoàn cảnh gia đình không chồng, không con, sống với mẹ già, mấy năm nay khi mẹ mất, bà sống một mình cô đơn trong ngôi nhà. Sợ những lúc cuối đời ốm đau không người chăm sóc, bà đã xin vào trung tâm ở. “Được sự chăm sóc của trung tâm nên cuộc sống cũng đầy đủ. Những người sức khỏe yếu như tôi và các cụ trong phòng được cán bộ phục vụ ăn uống tận phòng. Tuy nhiên, trong ánh mắt bà vẫn chút đượm buồn vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Đến dịp Tết sắp tới, con cháu mới lên đón về ăn tết cùng gia đình”, bà Dẻo chia sẻ.
Do đối tượng người cao tuổi phản xạ không còn nhanh nhạy, trí nhớ giảm sút, nhiều người tự xa lánh mọi người với ý nghĩ tự cho mình là người vô dụng, là người thừa trong xã hội, vì vậy, Trung tâm luôn quán triệt cán bộ cần có sự quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, hỏi han, tâm sự với người cao tuổi, cùng với sự kính trọng sẽ giúp người cao tuổi cởi mở lòng mình, tiếp xúc với những người xung quanh mà không mang mặc cảm. Người cao tuổi cần có một tâm hồn thanh thản, năng vận động, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và được sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc của mọi người. Đó là động lực chống lại mọi căng thẳng, ưu tư, buồn phiền để kéo dài tuổi thọ. Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức gặp mặt người cao tuổi nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10 và tặng quà cho các cụ nhằm động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, thêm lạc quan, yêu đời.
Cùng với đó, Trung tâm luôn hỗ trợ hết mức để người cao tuổi rèn luyện lấy lại sự tự chủ. Có những cụ tuổi già, hạn chế khả năng vận động (nằm liệt giường, ngồi xe lăn), tinh thần không được minh mẫn, lúc nhớ lúc quên, nhưng vì trách nhiệm, vì tình thương, cán bộ Trung tâm luôn kiên nhẫn phục vụ người cao tuổi một cách tốt nhất.
Theo ông Bùi Trọng Hải, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội Hải Dương, để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người cao tuổi tại trung tâm cũng như phát triển CTXH với người cao tuổi tại cơ sở, Trung tâm đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về người cao tuổi để động viên, khích lệ các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, đồng thời phát huy được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đối với Trung tâm do số lượng đối tượng đông trong khi đội ngũ cán bộ nhân viên còn thiếu nên cần quan tâm, tạo điều kiện bổ sung đủ số người làm việc theo định mức cho Trung tâm để việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi ngày một tốt hơn. Các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, xem xét sớm nâng các mức chi hỗ trợ cho người cao tuổi để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi trong Trung tâm.
Trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, cần phát triển hệ thống các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khoẻ và chữa trị một cách hiệu quả các bệnh lý của người cao tuổi. Khuyến khích các biện pháp chữa bệnh sớm và các biện pháp phòng ngừa để tránh bệnh tật khi về già và tránh già trước tuổi. Khuyến khích sự kết hợp giữa các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội. Nâng cấp các khu nhà ở và trang bị các thiết bị chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người cao tuổi./.

Hồng Phượng