Lao động
Việt Nam là nước có số lao động nhiều nhất tại Nhật Bản...
09:40 AM 25/01/2019
(LĐXH)- “Năm 2018, Việt Nam có 142.860 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm số lượng nhiều nhất với 68.737 người…” - Đó là những thông tin mà ông Phạm Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – TBXH) chia sẻ tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan truyền thông vào chiều 24/1/2019.
Quang cảnh hội nghị
Theo thống kê, năm qua, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng thực tập sinh, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140 nghìn người. Năm 2013, lần đầu tiên lao động được phái cử sang Nhật Bản vượt ngưỡng 10.000 người/năm, năm 2015 đạt trên 30.000 người và năm 2017 là trên 54.000 người. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số lượng phái cử hằng năm và số lao động đang thực tập sinh tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia phái cử. Hiện số người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản là gần 300.000 người, so với cuối năm 2012 tăng lên 6 lần, năm 2016 đã vượt Brazil, năm 2017 vượt Philippines và đang đứng ở vị trí thứ 3 trong số các nước có nhiều công dân cư trú ở Nhật.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Phạm Gia Liêm thông tin tại hội nghị
Dự báo trong năm 2019, số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng do dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua mới đây và sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2019. Với dự luật mới, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới. Dự luật đang mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm tại Nhật Bản cho lao động Việt Nam. Theo nội dung trong luật, trước mắt, Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài trong 14 ngành nghề, đó là: Xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không.
Các phóng viên tại hội nghị
Trong năm 2018, sau thị trường Nhật Bản, các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam gồm:  Đài Loan (60.369 người), Hàn Quốc (6.538 lao động), Ả rập – Xê út (1.920 người), Rumania (1.319 người), Malaysia (1.102 lao động), An-giê-ria (1.014 lao động), Kuwait (794 lao động)…
Phóng viên trao đổi về công tác phối hợp tuyên truyền trong năm 2019
Tại hội nghị, Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – TBXH), chia sẻ: Năm 2018, Trung tâm đang thực hiện 4 Chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thao hợp đồng. Trong đó, Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan), Trung tâm đã triển khai 5 đợt thông báo tuyển chọn ứng viên mở rộng trên toàn quốc với tổng số 3.089 hồ sơ đăng ký dự tuyển (2.495 nam và 604 nữ). Đồng thời, phối hợp tổ chức 19 đợt thi tuyển cho 2.462 ứng viên có hồ sơ đăng ký đủ điều kiện và đã lựa chọn được 1.293 ứng viên trúng tuyển (1.075 nam và 218 nữ) để tham gia các khóa đào tạo tiếng Nhật tại Cơ sở đào tạo. Đơn vị đã tổ chức xuất cảnh cho1.411 thực tập sinh (1.148 thực tập sinh xuất cảnh lần đầu và 263 thực tập sinh tái nhập cảnh) tăng 31% so với năm 2017, nâng tổng số thực tập sinh xuất cảnh từ đầu Chương trình đến nay là 6.055 người (có 311 thực tập sinh tái nhập cảnh Nhật Bản).
Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Phạm Ngọc Lan chia sẻ thông tin về thị trường Nhật Bản
“Với việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các đợt tuyển chọn, kế hoạch tiếp nhận hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần công khai, minh bạch đã hạn chế được tình trạng người lao động bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo và ngăn ngừa các hành vi tiêu cực dẫn đến người lao động phải nộp các khoản tiền không đúng quy định cho “cò mồi”. Hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước đang thông báo tuyển dụng 500 thực tập sinh đợt 1/2019 (trong đó 250 ngành sản xuất chế tạo, 250 ngành xây dựng), ứng viên được lựa chọn ngay từ khi đăng ký dự thi, thời gian tiếp nhận hồ sở đến hết ngày 31/3/2019.” – bà Phạm Ngọc Lan, trao đổi thêm.
Chí Tâm