Lao động
Thị xã Ngã Năm phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%
02:50 PM 09/05/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chỉ thị số 37 – CT/TW ngày 6/5/2014 của Ban Bí thư ( khoá XI)” Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” sau 10 năm ( 2014 -2024) thực hiện, Thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thị xã Ngã Năm phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các xã để tư vấn nghề nghiệp gắn với việc làm cho lao động địa phương 

Theo đó, sau khi tiếp thu Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, Ban Thường vụ Thị ủy Ngã Năm đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thị ủy tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt cho cán bộ chủ chốt từ thị xã đến các xã, phường; cán bộ đảng viên các chi bộ, đảng bộ ban, phòng, ngành cấp thị xã; cán bộ, đảng viên các đảng bộ xã, phường. Đồng thời, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư; tuyên truyền đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến người dân trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp tổ chức tư vấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hội nghị tư vấn học nghề - giới thiệu việc làm; giáo dục định hướng nghề nghiệp, việc làm, học nghề, lập nghiệp cho đoàn viên thanh niên, nông dân, phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội; triển khai tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân Thị xã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Sóc Trăng tổ chức các điểm tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động đến từng địa bàn khóm, ấp, thực hiện phân luồng học sinh, định hướng đào tạo nghề theo địa chỉ, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp tuyển dụng.... Thông qua các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, các nội dung tập trung vào chủ trương, chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Sau một thời gian, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, tư duy đào tạo và sử dụng lao động cũng thay đổi, việc chọn nghề, định hướng tương lai cho con em trên địa bàn cũng thay đổi tích cực.

Thị xã Ngã Năm phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%

Bên cạnh đó, Thị xã Ngã Năm cũng tập trung việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nhân lực có tay nghề cao được chú trọng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tích hợp kỹ năng, phát huy tính chủ động sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động. Đồng thời, trang thiết bị phục vụ thực hành cho người học được quan tâm đầu tư. Ngoài ra, Thị xã cũng tăng cường mở rộng hợp tác với các cơ quan, tổ chức của tỉnh, Trung ương để được hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Võ Minh Thắng, Phó Bi thư Thường trực Thị xã Ngã Năm cho biết: Kết quả sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị 37 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, Thị xã Ngã Năm đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 40.325 người. Bên cạnh đó, địa phương còn huy động các nguồn lực xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề cho lao động thông qua các cơ sở dạy nghề tư nhân thực hiện việc truyền nghề, kèm cặp nghề, tạo việc làm tại chỗ cho trên 5.000 lao động tại địa phương.

Để đạt được kết quả nêu trên, theo ông Võ Minh Thắng là nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm để thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương. Mặt khác, từ nguồn kinh phí này địa phương đã triển khai hỗ trợ chi phí cho các đối tượng tham gia đào tạo (đối tượng 1, 2) và các chi phí hợp lý khác cho công tác dạy và học nghề được thường xuyên và kịp thời.

Bên cạnh đó, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác đào tạo nghề của thị xã có nhiều chuyển biến tích cực như: Nhận thức về đào tạo nghề nói chung và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và người lao động đã có nhiều thay đổi; công tác dạy nghề được quan tâm đầu tư, người lao động đã chủ động tham gia học nghề, học nghề tại các Trường Trung cấp, Cao đẳng ngày một nhiều hơn. Quy mô tuyển sinh dạy nghề tăng nhanh, các ngành nghề và phương thức dạy nghề đa dạng và phong phú. Cơ chế đặt hàng đào tạo được liên kết và thực hiện cơ bản hiệu quả và phù hợp với tình hình, nhu cầu của lao động địa phương.

Tư vấn cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động vùng đồng bào dân tộc học nghề chuyển đổi nghề nghiệp gắn với việc làm à một trong những giải pháp được thị xã Ngã Năm tập chú trọng trong thời gian qua

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đào tạo nghề được kiện toàn thường xuyên, chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng lên; lao động sau học nghề có việc làm đạt trên 85%, thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động; Nhiều lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, sau khi trở về nước được tuyển dụng vào các doanh nghiệp sử dụng lao động có tay nghề cao. Cùng với đó, địa phương còn xây dựng được các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; truyền nghề, kèm cặp nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từng bước được nâng lên, đạt 66.02% (cuối năm 2023).

Song song đó, địa phương còn thực hiện tốt chính sách đảm bảo cho học sinh, sinh viên tham gia giáo dục và đào tạo cũng như hỗ trợ đóng học phí và miễn giảm học phí cho 51.422 lượt học sinh, sinh viên từ năm học 2015-2016 đến nay, với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 37 ở Thị xã Ngã Năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu; trang thiết bị dạy nghề lạc hậu và còn thiếu so với yêu cầu đào tạo các ngành nghề hiện tại. Mặt khác, chất lượng dạy nghề chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của người học và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp có quy mô lớn, thiếu gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động; chưa đào tạo được lao động có tay nghề chất lượng cao. Công tác xã hội hóa đào tạo nghề còn chậm, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc kết nối doanh nghiệp để tuyển dụng lao động sau đào tạo đã triển khai nhưng chưa có hệ thống và còn thiếu đồng bộ, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực.

Tư vấn việc làm và học nghề tại Phiên giao dịch việc làm cho lao động nông thôn tại Thị xã Ngã Năm ở xã Tân Long

Vì vậy, để triển khai thực hiện Chỉ thị 37 của Trung ương đạt hiệu quả đề ra, trong thời gian tới Thị xã Ngã Năm tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn thị xã, giai đoạn 2020 - 2025. Phát triển và mở rộng quy mô, nghề đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Gắn đào tạo nghề với quy hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, điều tra, rà soát, thống kê danh sách nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để triển khai thực hiện đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở dạy nghề công lập, tư nhân và đẩy mạnh thu hút các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ công nghiệp tham gia cùng với sơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Sóc Trăng liên hệ với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu sử dụng lao động hoặc bao tiêu sản phẩm do người học nghề làm ra để ký hợp đồng lao động hoặc cung ứng sản phẩm.

 Mở rộng quy mô đào tạo theo hướng xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề; trong đó đào tạo nghề Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Lồng ghép các chương trình, dự án để huy động các nguồn kinh phí cho đào tạo nghề. Thực hiện tốt công tác liên kết với các cơ sở dạy nghề công lập, tư nhân, các doanh nghiệp theo hướng mời các cán bộ kỹ thuật có trình độ tay nghề giỏi của cơ sở, doanh nghiệp tham gia vào quá trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; cuối năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.

 

Vương Linh