Kinh tế
Thảo luận về các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững
06:19 PM 18/09/2019
(LĐXH) - Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển bên cạnh những thành tựu nổi bật, ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ.
Nhằm thúc đẩy ngành khí phát triển ổn định, bền vững thông qua các giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giúp các doanh nghiệp kinh doanh khí nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vừa qua, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Gas Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam… cùng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí.
Tại hội thảo các chuyên gia khẳng định, ngành công nghiệp khí là một trong những nhóm ngành giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển bên cạnh những thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ.
Toàn cảnh Hội thảo.
Thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam đã được hình thành và phát triển phân theo khu vực tại Tiền Hải, ở miền Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng trưởng nhu cầu ở mức cao, bình quân 20%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 10%, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay. Phần lớn các phát hiện khí của Việt Nam được tìm thấy ở thềm lục địa phía Nam và sản lượng khí khai thác chiếm hầu như toàn bộ thị trường.
Thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1991 với sản lượng chỉ khoảng 400 tấn. Năm 1998, nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố đi vào hoạt động là sự kiện nổi bật đánh dấu mốc của thị trường LPG Việt Nam không còn bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Năm 2018, sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2, 1 triệu tấn, nguồn cung trong nước đạt 989 nghìn tấn chiếm gần 50 %. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới.
Tiến sỹ Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) nêu rõ, đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai nhằm phát huy hết tiềm năng phát triển thị trường khí của Việt Nam.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính đánh giá, thị trường khí Việt Nam chủ yếu vẫn đang phát triển giữa mô hình cạnh tranh khai thác khí và mô hình cạnh tranh bán buôn. Một phần nhỏ khí qua chế biến đã phát triển thị trường cạnh tranh bán lẻ. Thị trường khí Việt Nam hiện đang kinh doanh các sản phẩm khí chủ yếu như: khí thiên nhiên; khí LPG, CNG, khí khô, khí ngưng tụ, khí LNG.
Nguyên tắc cơ bản của cơ chế giá thị trường là nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, do vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của ngành công nghiệp khí đối với kinh tế, xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như vấn đề an toàn, an ninh năng lượng nên vai trò quản lý của nhà nước đối với các sản phẩm khí là cần thiết.
Theo đó, cơ chế quản lý đối với giá khí trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước. Cụ thể, với các sản phẩm LPG, CNG, LNG vẫn tiếp tục là mặt hàng đưa vào danh mục bình ổn giá; các doanh nghiệp thực hiện đăng ký (trong thời kỳ áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc kê khai giá (thường xuyên) theo quy định.
Đối với khí thiên nhiên, do các nguồn khí hiện nay đang có xu hướng suy giảm, cần xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác các nguồn khí bổ sung hoặc thay thế các nguồn hiện tại; đánh giá hiệu quả phương án nhập khẩu khí với những nguồn khí giá rẻ đảm bảo an ninh năng lượng.
Về cơ chế giá khí, xem xét đưa sản phẩm khí tự nhiên vào danh mục bình ổn giá (các hình thức quản lý đối với sản phẩm thuộc danh mục bình ổn giá như đăng ký giá, kê khai giá luôn đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền chủ động quyết định giá của doanh nghiệp, việc đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích nắm bắt thông tin, kịp thời có biện pháp quản lý khi có biến động bất thường, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng).
ông Kiều Dương - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã chia sẻ về góc độ vi phạm và khó khăn trong việc xử lý vi phạm trong kinh doanh LPD. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 1.052 lượt kiểm tra, phát hiện 562 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 950 chai LPG, 1.086 chai LPG mini.
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên là 615 triệu đồng. Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng như: Tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường hoặc sang chiết gas mini trái phép. Mặt khác, việc sang chiết được thực hiện lén lút, ngoài giờ, thường xuyên thay đổi địa điểm nên rất khó phát hiện, gây khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý.
Mặt khác, công tác tuyên truyền thực hiện tốt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn cố tình sử dụng dù biết loại bình các bình gas mini trên thị trường chỉ được dùng một lần. Nhiều đại lý, điểm đổi gas nhỏ lẻ vì lợi nhuận đã tái sử dụng chai LPG mini nhiều lần cho dù loại bình đã quá cũ, gỉ sét, bong tróc sơn không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, mặt hàng khí được quy định là một trong nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện, theo đó 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng – LNG; khí thiên nhiên nén – CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp lý ở cấp nghị định.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh Tuấn, tại Luật Dầu khí và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có những nội dung chưa phù hợp với thực tế, như chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chưa có nội dung điều chỉnh các khâu trung nguồn và hạ nguồn.
Các hoạt động trung hạ nguồn được điều chỉnh chủ yếu qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng cần tập trung xây dựng theo hướng thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí; quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí; đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, để ngành công nghiệp khí có thể phát triển hiệu quả - bền vững trong thời gian tới../.
Thảo Lan