Xã hội
Tây Ninh: Quan tâm thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo
03:25 PM 19/03/2024
(LĐXH) - Tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm công tác trợ giúp xã hội, chăm lo đời sống đối tượng yếu thế, hộ nghèo nhằm giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh

Thực hiện công tác bảo trợ xã hội, trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 667 công dân tròn 90 tuổi, 62 công dân tròn 100 tuổi và 85 công dân trên 100 tuổi, với kinh phí trên 1.195 triệu đồng. Tổ chức 04 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2023 cho 230 đại biểu. Phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực Người khuyết tật (DRD) tổ chức 03 Hội thi bình đẳng hòa nhập người khuyết tật. Phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp Cục Bảo trợ xã hội tổ chức lớp tập huấn kiểm tra, giám sát, đánh giá nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau cho 120 đại biểu là cán bộ Hội Người cao tuổi các cấp tỉnh, huyện, xã và cán bộ Lao động – TBXH cấp huyện. Phối hợp với ngành BHXH tiến hành cấp thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng theo quy định với 34.124 thẻ. Trong năm, tỉnh đã chi trả trợ cấp xã hội cho 36.336 đối tượng với tổng kinh phí 235.066 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhân dịp Tết nguyên đán, Tháng hành động vì trẻ em, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu, Sở Lao động - TBXH đã tổ chức thăm và tặng 1.059 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tổng kinh phí 508,3 triệu đồng (trong đó: Nguồn đảm bảo xã hội 465 triệu đồng, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh 43,3 triệu đồng). Phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2023 tại Trung tâm Học tập và Sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh, với hơn 200 lượt trẻ em tham dự. Tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2023, với sự tham gia của 90 em cùng với 18 trưởng đoàn, dẫn trình viên của 09 huyện, thị xã, thành phố; Tổ chức Đoàn trẻ em tỉnh Tây Ninh tham gia Diễn đàn trẻ em cấp quốc gia lần thứ VII năm 2023 tại Hà Nội. Phối hợp với ngành BHXH tiến hành cấp thẻ BHYT cho cho trẻ em dưới 6 tuổi là 91.046 thẻ.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đã hỗ trợ cho 110 mô hình sinh kế, chủ yếu tập trung vào các mô hình chăn nuôi, hỗ trợ máy móc, thiết bị, phương tiện sản xuất cho 830 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hơn 200 người khuyết tật không có sinh kế ổn định. Các hộ thụ hưởng được tự chọn mua con giống theo ý thích, trong cộng đồng nên rất hài lòng với con giống nhận được cũng như nội dung Chương trình. Tổ chức trên 30 lớp tập huấn cho 4.799 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Tổ chức 06 đợt kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Cấp huyện đã tổ chức 26 đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại địa phương.

Theo đánh giá, việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh, tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ đã tạo điều kiện ngày càng tốt hơn về nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đã giúp một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các nguồn lực để phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như: nhà ở, giáo dục, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch, bảo hiểm y tế, việc làm… Tác động của Chương trình đã giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như việc nhận thức hiểu rõ về trách nhiệm của bản thân để chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương còn chậm, nhiều bất cập ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ giải ngân chung đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Một số cán bộ, công chức phụ trách Chương trình trong quá trình thực hiện chính sách còn e dè, chưa linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp tình hình thực tế với từng trường hợp cụ thể ở địa phương. Một bộ phận lao động là người nghèo chưa thật sự chí thú làm ăn, tham gia các lớp dạy nghề để học nghề, tìm kiếm việc làm; thiếu ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại từ sự hỗ trợ của nhà nước./.

Hồng Phượng