Lao động
Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm tỉnh Ninh Thuận
01:23 PM 01/12/2022
(LĐXH) - Kế hoạch hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Ninh Thuận có quy mô, cơ cấu hợp lý, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, bao gồm: Năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị, tập trung phát triển chuyển đổi số và sàn giao dịch điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Theo Đề án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh Ninh Thuận đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 63% lao động trong nền kinh tế làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm, trong đó: Năng lượng chiếm 5,5%; du lịch đẳng cấp cao chiếm 5,5%; nông nghiệp đặc thù chiếm 20,5%; kinh tế đô thị chiếm 68,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%; lao động có trình độ cao làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm đạt trên 22%; cơ cấu lao động trình độ cao trong ngành năng lượng chiếm 18%, du lịch đẳng cấp cao chiếm 30,7%, nông nghiệp đặc thù chiếm 14%, kinh tế đô thị chiếm 25%. Định hướng đến năm 2030, có ít nhất 68% lao động trong nền kinh tế làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh

Nhằm tạo sự thống nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đề ra, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 4351/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án. Kế hoạch nêu rõ yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo, quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương mình để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho các ngành kinh tế trọng điểm đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp đối với nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực. Tăng cường kết nối giữa các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng nhân lực để đa dạng nguồn thông tin trong quá trình tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nhân lực.

Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp trên, các sở, ngành, địa phương cần chú trọng đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm. Cụ thể giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu các giải pháp thúc đẩy hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng trong nước và quốc tế trong việc mở các chương trình đào tạo lao động có kỹ năng, tay nghề cao, nghiệp vụ chuyên môn giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp đặc thù, du lịch đẳng cấp cao, năng lượng tái tạo, kinh tế đô thị,... để tạo ra một đội ngũ lao động chuyên môn giỏi, gắn bó với địa phương. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, đào tạo tại chỗ trong doanh nghiệp, chú trọng đào tạo lao động có tay nghề cao phù hợp với nhu cầu của tỉnh, gắn đào tạo với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Giáo dục nghề nghiệp cần tạo được tính chủ động trong đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động

Cùng với đó, cần tranh thủ tốt các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương thông qua chương trình đào tạo, các dự án hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển nhân lực; thu hút các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước mở các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, trong năm 2023, nâng cao hiệu quả Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từng bước hình thành Sàn giao dịch việc làm, số hóa dữ liệu việc làm để kết nối cung - cầu lao động. Xây dựng mô hình hợp tác thí điểm Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp và người lao động, tạo tính chủ động trong đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và trong xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm; từ đó, rút kinh nghiệm, nhân rộng trong quá trình thực hiện. Rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp; xây dựng Trường Cao đẳng nghề thành trường chất lượng cao. Đầu tư, nâng cấp Trường Trung cấp Y tế đủ điều kiện để nâng lên thành Trường Cao đẳng Y tế. Phối hợp trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án phát triển Phân hiệu trường tại Ninh Thuận hướng đến mục tiêu hình thành trường Đại học đa ngành sau năm 2030, trước mắt tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

Trần Huyền

 

Từ khóa: GDNN Ninh THuận