Lao động
Người lao động là F1 nghỉ việc, không bị ốm đau thì không được hưởng chế độ BHXH
11:13 AM 01/04/2022
(LĐXH) - Tại hội Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan BHXH TP.HCM lần thứ 220 do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) và Bảo hiểm xã hội (BHXH TP.HCM) phối hợp tổ chức, ngày 31/3/2022, khi trả lời câu hỏi của một đơn vị: “F1 nghỉ việc có được hưởng hỗ trợ từ BHXH”, đại diện BHXH TP.HCM cho rằng: “Người lao động là F1 không bị ốm đau (và không phải là F0) thì không được hưởng chế độ ốm đau”.

Người lao động là F1 nghỉ việc, không bị ốm đau thì không được hưởng chế độ BHXH

Cụ thể, đại diện Công ty liên doanh TNHH Nippon Express (Việt Nam) đã đặt câu hỏi: “F1 nghỉ việc có được hưởng chế độ BHXH không?.  Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho rằng: “ Theo quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau: người lao động bị ốm đau phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Như vậy, người lao động là F1 không bị ốm đau (và không phải là F0) thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Trả lời câu hỏi của Công ty CP dệt may ĐT-TM Thành Công “Người lao động nghỉ ốm do COVID-19 khi đi xin giấy cấp lại thì Trạm trưởng trạm y tế Phường 12, quận Gò Vấp là Bà Kim Nhật Lệ Anh không đóng dấu cấp lại, nói rằng không có công văn thông báo. Vậy cho hỏi người lao động phải làm sao để xin được đóng dấu cấp lại này?, ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết: Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 điều 26 của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 01/3/2018 về Trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh,… và  ngày 02/12/2021 Sở Y tế TP.HCM đã ban hành Công văn số 9000/SYT-NVY về cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động là F0, theo đó đối với hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT. Đồng thời, Sở Y tế TP cũng đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo điều kiện cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu người lao động có đầy đủ hồ sơ xác nhận đã cách ly hoặc điều trị COVID-19.

Đồng thời, đại diện BHXH TP.HCM còn cho biết thêm, nếu F0 tự cách ly tại nhà và được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH mẫu CT07, thì người lao động phải nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho đơn vị sử dụng lao động để làm thủ tục chuyển cơ quan BHXH TP giải quyết chế độ ốm đau ngắn ngày.

Còn Trường Cao đẳng Viễn Đông có thắc mắc, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19,… Nhưng nếu người sử dụng lao động đã phải bỏ chi phí rất nhiều ra để phòng chống dịch COVID- 19 rồi và người sử dụng lao động không chi khoản này cho người lao động nữa thì có bị phạt không? Mức phạt là như thế nào?

Doanh nghiệp đối thoại với cơ quan BHXH TPHCM về chính sách hỗ trợ cho người lao động bị  mắc Covid - 19 (F1 và FO)

Theo đại diện BHXH TP.HCM cho biết: Căn cứ Điều 45 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. “Trường hợp phát hiện vi phạm, người lao động báo cáo đến Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội là các cơ quan có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quyết định này (Khoản 5 Điều 44 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg). Do đó, đơn vị phải thực hiện đúng quy định theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”: Ông Thanh nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của một đơn vị về trường hợp người lao động bị mắc COVID-19, sau khi hết bệnh đi làm lại đã gửi cho đơn vị đang công tác giấy nghỉ ốm hưởng BHXH (trong  thời gian nghỉ ốm tại nhà người lao động đã được đơn vị trả tiền lương đầy đủ). Tuy nhiên, người lao động vẫn muốn nhận tiền trợ cấp ốm đau với lý do trong thời gian họ ốm họ vẫn phải làm việc do công việc gấp và đã được trưởng phòng ký giấy xác nhận thời gian nghỉ ốm vẫn làm việc, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: Theo quy định của Luật BHXH: “BHXH là sự bảo
đảm thay thế hoặc bù đắp một phần hoặc toàn bộ thu nhập của người lao động
khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”. Vaayn nên, trường hợp người lao động phát sinh ốm đau do mắc Covid-19, nhưng vẫn được đơn vị trả đầy đủ tiền lương (thu nhập của người lao động không bị giảm hoặc mất) thì không được giải quyết thêm tiền trợ cấp chế độ ốm đau.

Tại hội nghị này các doanh nghiệp còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến: Thủ tục khai báo đăng ký, nộp hồ sơ BHXH thông qua cách nộp hồ sơ điện tử; đăng ký lại trên TS24; mức đóng, căn cứ đóng BHXH cho người lao động; thời gian tham gia BHXH ghi nhận trên sổ BHXH và VssID chưa đúng với thực tế như trên thì người lao động liên hệ với bộ phận nào để được điều chỉnh; giải quyết chế độ ốm đau và chính sách hỗ trợ người lao động trong dịch Covid-19,... và đều được đại diện BHXH TP.HCM trả lời trực tiếp tại  hội nghị.

Trương Đăng