Xã hội
Nghiên cứu ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp
12:21 PM 15/06/2023
(LĐXH) - Ngày 14/6/2023, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Tổ chức ChildFund tổ chức Hội thảo góp ý Báo cáo nghiên cứu định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tham dự và chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chủ trì hội thảo

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc cung cấp dịch bảo vệ trẻ em khẩn cấp và áp dụng quy trình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khẩn cấp có thể áp dụng cho các nhóm đối tượng trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe thể chất hoặc tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần do bạo lực, xâm hại, tự hại, bao gồm cả trẻ em là nạn nhân của mua bán người, thảm họa thiên tai (tự hại chủ yếu là nhóm trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí); trẻ em có nguy cơ cao bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe thể chất hoặc sức khỏe tinh thần do mất môi trường chăm sóc bởi gia đình gốc. Việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin. Tuy nhiên, việc cung cấp các dịch vụ công bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường hợp khẩn cấp hiện đang vướng nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, vướng mắc lớn nhất trong việc cung cấp các dịch vụ công bảo vệ chăm sóc trẻ em trong trường hợp khẩn cấp là chúng ta chưa có văn bản quy định định mức kinh tế - kỹ thuật cho các dịch vụ này, gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch, dự toán hằng năm của các đơn vị thực hiện. Cụ thể, công tác lập dự toán hằng năm và đều phải tham chiếu, vận dụng các quy định pháp luật có liên quan, dẫn đến các hoạt động đặc thù trong lĩnh vực trẻ em không sát với thực tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn Cục Trẻ em, các bộ, ngành, tổ chức và chuyên gia với tinh thần trách nhiệm cùng nhau phân tích, góp ý đối với dự thảo Báo cáo, thảo luận về 5 thành phần cơ bản của định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm: định mức lao động; định mức vật tư; định mức máy móc, trang thiết bị; định mức khấu hao nhà sử dụng cung cấp dịch vụ; định mức chi phí điện nước, chi phí bảo vệ môi trường nhằm xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật dựa trên quy trình thực hiện đến sản phẩm, dịch vụ cuối cùng cho các dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp; tính đúng, tính đủ các chi phí để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành; bảo đảm thống nhất trong tính giá và chi phí của các dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và bảo đảm tính khả thi khi áp dụng bù đắp được chi phí thực tế phát sinh.

Các đại biểu tham gia góp ý cho báo cáo nghiên cứu

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã tham góp nhiều ý kiến hữu ích về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp, coi đây là giải pháp quan trọng gỡ khó cho hoạt động này. Bởi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp khi được ban hành sẽ làm cơ sở cho Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá dịch vụ công về bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp...

Đáng chú ý, các chuyên gia nhấn mạnh khi tiếp nhận thông tin thông báo về trường hợp trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cần kết nối với cơ quan công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em tại nơi xảy ra vụ việc; phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời, lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em do bị xâm hại để hỗ trợ việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em; thu thập bằng chứng, lưu giữ chứng cứ tổn hại của trẻ em do bị xâm hại phục vụ việc giám định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong việc kết nối với cơ quan y tế, cần lưu ý việc chia sẻ thông tin với cơ sở khám chữa bệnh phải tôn trọng nguyên tắc bảo mật thông tin, chỉ cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ cho việc sơ cấp cứu, khám, chữa bệnh chăm sóc ban đầu, đồng thời, phải lập hồ sơ quản lý để theo dõi tình trạng sức khỏe và tổn hại của trẻ em. Trong dịch vụ bảo vệ khẩn cấp cho các em, cần chú trọng việc bố trí nơi ở an toàn trong trường hợp trẻ em chưa có chỗ ở an toàn, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp đồ ăn, đồ uống hằng ngày, hỗ trợ quần áo, đồ dùng thiết yếu sinh hoạt ng ngày; chăm sóc về y tế và chăm sóc về tinh thần, hạn chế gây thêm tổn thương cho trẻ em.

Trong trường hợp nhu cầu trợ giúp của trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp vượt quá khả năng của tổ chức, cá nhân thì có thể tham vấn Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được hỗ trợ hoặc kết nối dịch vụ trợ giúp, chuyển tuyến đến cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có trình độ năng lực tốt hơn, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Nhiều ý kiến lưu ý việc sắp xếp chăm sóc ngoài gia đình trong trường hợp môi trường chăm sóc gia đình không bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Hoạt động dịch vụ này còn có cách gọi khác là tìm kiếm gia đình chăm sóc thay thế tạm thời cho trẻ em cần bảo vệ khẩn cấp trong trường hợp môi trường gia đình trẻ em đang ở tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao tiếp tục xâm hại trẻ em (gửi nuôi dưỡng tạm thời)...

Một số chuyên gia khuyến nghị, trong thời gian tới Cục Trẻ em nên phối hợp với các tổ chức có liên quan quan tiếp tục nghiên cứu định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị sang chấn tâm lý do bạo lực, xâm hại; trẻ em bị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ…

Trần Huyền