Xã hội
Kết quả và khuyến nghị về tăng cường an sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật
04:14 PM 19/09/2016
(LĐXH) Sáng ngày 19/9/2016, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã hợp tác với Quỹ Hanns Seidel (HSF) (CHLB Đức) tổ chức hội thảo ‘’Tăng cường tiếp cận an sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật: một số phát hiện chính từ kết quả nghiên cứu’’ tại khách sạn Hilton, số 1 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chủ trì hội nghị là TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện KHLĐ&XH và TS. Axel Neubert, Trưởng đại diện Văn phòng HSF tại Việt Nam. Tham gia thảo luận còn có các chuyên gia như TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ XH, PGS.TS.Nguyễn Thị Lan Hương, trưởng nhóm nghiên cứu dự án, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội người khuyết tật tại thành phố Hà Nội,…. Một số đại diện cho các tổ chức giáo dục dạy nghề cho người khuyết tật như bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc trung tâm hỗ trợ sống độc lập Hà Nội, bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai,…. cũng được mời tham dự để đại diện cho tiếng nói người khuyết tật trên cả nước. Ngoài ra còn có sự tham gia của các đơn vị báo chí, Sở thông tin truyền thông, Sở Y tế cùng đại diện của các Bộ, Ban ngành khác….
Các số đại biểu tham dự Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Đào Quang Vinh cho biết Việt Nam hiện tại có khoảng 7 triệu người khuyết tật (7,8% dân số ), trong đó 700 nghìn người sống trong những hộ gia đình nghèo và cận nghèo, khiến điều kiện sống của họ vốn đã ngặt nghèo càng gặp nhiều khó khăn hơn. Năm 2007, Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Quốc tế về Quyền của người Khuyết tật của Liên hợp quốc, nhưng tới năm 2014 Quốc hội mới phê chuẩn Công ước này, cam kết thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực. Vì thế việc tạo việc làm, cải thiện đời sống , đảm bảo bình đẳng cho người khuyết tật đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Chính phủ hiện nay.
Viện trưởng Viện KHLĐ&XH Đào Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị
Mục đích nghiên cứu của công trình nghiên cứu ‘’An sinh xã hội cho Lao động khuyết tật (LĐKT)’’ là phân tích các nguồn vốn sinh kế, yếu tố dễ bị tổn thương/rủi ro và hoạt động sinh kế của lao động là người khuyết tật; đánh giá vai trò của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) hiện hành và vai trò của mạng lưới ASXH phi chính thức trong phòng ngừa, khắc phục và giảm thiểu rủi ro/thách thức và tăng cường vốn sinh kế cho LĐKT; đề xuất các biện pháp can thiệp ASXH phù hợp với đặc điểm sinh kế, giảm thiểu rủi ro và xây dựng chiến lược sinh kế phù hợp với LĐKT. Qua bản báo cáo, có thể thấy rằng LĐKT tuy đã được hỗ trợ một phần về mặt chính sách ASXH nhưng hiệu quả vẫn còn chưa rõ rệt, trái lại vẫn gặp nhiều hạn chế hoặc không được tiếp cận với việc vay vốn, hưởng bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, trợ giúp pháp lý, dịch vụ công cộng,…… Thêm vào đó là nhận thức chung của xã hội đối với người khuyết tật còn mang nặng tính ‘’thương hại’’, ‘’phân biệt, ‘’không tin tưởng’’, khiến LĐKT rất khó hòa nhập với cộng đồng và tham gia vào thị trường lao động trong nước. Thông qua bản báo cáo, PGS.TS.Nguyễn Thị Lan Hương đưa ra một số khuyến nghị để đổi mới quan điểm tiếp cận với người khuyết tật, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ NKT về mặt đời sống, chăm sóc sức khỏe và tạo việc làm phù hợp với điều kiện, khả năng của NKT, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về LĐKT và vai trò của mạng lưới ASXH phi chính thức.
Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sống độc lập Hà Nội bàn về hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật
Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai  chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật
Sau khi báo cáo được trình bày,  Hội nghị nhận được rất nhiều phản hồi từ các khách mời tham gia, đặc biệt là những đại diện của người lao động khuyết tật. Theo bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc trung tâm hỗ trợ sống độc lập, số liệu trong bài báo cáo lấy từ nguồn thông tin khá cũ (2009) có thể dẫn đến sự sai lệch so với thực tế, từ đó ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu trong hiện tại. Thêm vào đó, đại diện của một tổ chức phi chính phủ của Mỹ về người khuyết tật tại Việt Nam cũng cho rằng số lượng mẫu khảo sát quá nhỏ so với số lượng người khuyết tật và các cơ quan liên quan (10 đại diện cơ quan, 5 doanh nghiệp và 55 đại diện LĐKT) nên kết quả chưa thể đại diện và phản ánh toàn bộ thực trạng của LĐKT Việt Nam. Hơn nữa, bản báo cáo nên tập trung thêm vào các khuyến nghị mang tính cụ thể, như việc thay đổi hạng mục nghề trong danh mục nghề nghiệp cho người khuyết tật được Chính phủ hỗ trợ hoặc đề ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng dạng khuyết tật nhất định, hơn là những giải pháp chung chung, không rõ ràng.
PGS.TS.Nguyễn Thị Lan Hương cám ơn các đóng góp của các đại biểu về bản báo cáo
Nếu có những chỉnh sửa về mặt số liệu nhằm tăng độ thực tiễn và thuyết phục, công trình nghiên cứu về ‘’ASXH cho lao động là người khuyết tật’’ sẽ là một tư liệu rất quý giá cho việc hoạch định chính sách, hỗ trợ người LĐKT trong tương lai.

Minh Ngọc