Xã hội
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020
02:20 PM 11/12/2020
(LĐXH) - Ngày 11/12/2020, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Tài Chính, Thông tin và Truyền Thông, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục -Đào Tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBDT, UBMTTQ Việt Nam, Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, BHXH Việt Nam, các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo 63 tỉnh/ thành phố tại 63 điểm cầu trực tuyến...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác giảm nghèo toàn quốc giai đoạn 2016-2020
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ.
Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ở T.Ư và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết; Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ trẻ em đến trường; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua BHYT; kết hợp giữa giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…
Tỷ lệ hộ nghèo giảm ấn tượng
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội và Chương trình MTQG về Giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam cũng đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Nếu năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1%; năm 2015 là 9,88% thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ này chỉ còn 3,75%. Dự kiến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2.75%. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019: giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo…”
Đoàn Chủ tịch điều hành hội nghị
Có thể kể đến một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015-2019 như: huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.
Giai đoạn 2016-2020, nguồn lực đã ược bố trí và huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là hơn 93.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 45%; vốn ngân sách địa phương chiếm 11%; vốn xã hội hóa chiếm 23,5%; vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động ASXH của MTTQVN các cấp là 20%; vốn viện trợ chiếm 0,5%. Riêng các chính sách thường xuyên hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo (hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, tiền điện…) chiếm khoảng 25.000 tỷ/năm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội
và Chương trình MTQG về Giảm nghèo bền vững
Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chiều chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cập 5 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng. 
Các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng được chú trọng ban hành như: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025; Chính sách đặc thù đối với huyện nghèo, xã ĐBKK như luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc huyện nghèo; thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020…
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tạo Hội nghị
Nhìn chung, các chương trình giảm nghèo đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng ĐBKK. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, hỗ trợ hơn 13 nghìn dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi với tổng kinh phí trên 8 nghìn tỷ đồng. Có hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được dạy nghề, tạo việc làm; Hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, ĐBKK; nhiều địa bàn nghèo đã nỗ lực thoát nghèo, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tính đến nay, có khoảng 18 nghìn công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15 nghìn công trình; khoảng 7 nghìn công trình được duy tu bảo dưỡng với tổng nguồn vốn đầu tư trên 32 nghìn tỷ đồng. Có 32 huyện nghèo, 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đối với các xã, thôn ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 550 xã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội nghị
Phong trào thi đua: Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau”do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Đã có nhiều tấm gương sáng, điển hình thoát nghèo khác trên cả nước.
Lan tỏa rộng khắp phong trào “lá lành đùm lá rách”
Năm 2020, trước tình trạng bão lũ diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp 1.250 tỷ đồng và gần 20 nghìn tấn gạo, hỗ trợ nhiều thiết bị cứu hộ cứu nạn, nhu yếu phẩm cho người dân; Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành chức năng, nhân dân cả nước đã quyên góp hơn 1000 tỷ đồng, hàng triệu tấn hàng hóa cho nhân dân vùng bị bão lũ.
Đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội phát biểu tại Hội nghị
Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã trở thành một sức mạnh lan tỏa rộng khắp cả nước. Từ những thiếu nhi nhịn ăn sáng cho đến những doanh nghiệp lớn đóng góp hàng trăm tỷ cho công tác phòng chống dịch. Nhiêu cây ATM gạo hình thành rộng khắp toàn quốcvừa tạo nên một ân tượng vô cùng sâu sắc, tốt đẹp đối với nhân dân cả nước cũng như trên toàn thế giới, vừa thê hiện tỉnh thần sáng tạo trong khó khăn của người Việt. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đã có gần 13 triệu người dân, người lao động và gần 30 nghìn hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng kinh phí 12,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo đều đã được thụ hưởng đầy đủ. Người lao động phải ngừng việc gặp khó khăn đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc với số tiền gần 15 tỷ đồng cho trên 4.200 người lao động.
Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc trao tặng huân chương lao động hạng nhất cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu về công tác giảm nghèo mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời, biểu dương sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng đến chính quyền Trung ương, địa phương; sự quan tâm, chỉ đạo, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là việc chủ động tham mưu, điều phối của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trung ương và địa phương;chung sức, đồng lòng, đóng góp thiết thựccủa nhân dân, cán bộ và chiến sĩ cả nước trong công cuộc Giảm nghèo bẻn vững thông qua phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt tahnfh tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo
“Đây thực sự là những kết quả quý giá có được từ sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của cả hệ thống chính trị chúng ta, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phân cải thiện đời sống nhân dân trên các mặt, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta, giữ ổn định chính trị, xã hội của đất nước…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ LĐ - TBXH và TTTT trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt giải cao trong công tác truyên truyền các chính sách về giảm nghèo
Thay mặt Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng huân chương lao động hạng nhất cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông; hạng ba cho đại diện lãnh đạo các các bộ, ban ngành trung ương và địa phương. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đưc Đam cũng đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo trong những năm qua.
Hà Giang