Lao động
Hà Nội thực hiện đa dạng các giải pháp giải quyết việc làm trong tình hình dịch Covid-19
10:01 AM 08/06/2021
(LĐXH)-Thành phố Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư với trên 2,2 triệu hộ dân, bao gồm 8,1 triệu người, bao gồm cả người dân của Hà Nội và người dân nhập cư đến sinh sống và làm việc. Chính vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng được thành phố quan tâm chính là việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, năm 2020, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 180.578/156.000 lao động, đạt 116% KH năm (chiếm 13,4% số việc làm được giải quyết cho người lao động trong cả nước). Trong đó, thành phố đã đưa 2.571/3.500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố năm 2020 giảm 10.307 người, tương đương giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,22%. Tuy tỷ lệ thất nghiệp thành thị có cao hơn năm trước (năm 2019 đạt 2,1%) nhưng vẫn giảm ở mức dưới 4%, đạt mục tiêu HĐND Thành phố đề ra và thấp hơn 0,39 điểm phần trăm so với cả nước.
Người lao động tham gia ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm lưu động ở huyện Đông An năm 2021
Năm 2021, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện linh hoạt “mục tiêu kép” vừa phòng chống đại dịch Covid-19 vừa thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh, trong đó tăng cường thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm.
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2021 sẽ giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%. Theo đó, thành phố đã đưa ra tổng thể các nhóm giải pháp là: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo việc làm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm; tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyêt việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố.
Người lao động đăng ký phỏng vấn việc làm tại Trung tâm DVVL Hà Nội
Riêng đối với nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, thành phố Hà Nội tập trung tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động việc làm; cung cấp đầy đủ và phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng như: Cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, trên các phương tiện thông tin đại chúng... để người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương có nhu cầu khai thác, sử dụng nhằm phục vụ các giao dịch việc làm thuận lợi, tạo cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao hiệu quả hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động. Tiếp tục tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm (GDVL) thành phố Hà Nội. Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày đồng bộ trên toàn bộ hệ thống Sàn GDVL thành phố Hà Nội. Ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống Sàn GDVL thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu triển khai tổ chức phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ Sàn trung tâm đến các Sàn vệ tinh cũng như công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, phân tích dự báo thị trường lao động và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Nhờ việc đẩy mạnh  sản xuất cùng với nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, nên công tác giải quyết việc làm ở Hà Nội đã có tín hiệu lạc quan hơn, tình trạng thất nghiệp cũng thuyên giảm. Trong 5 tháng đầu năm 2021, thành phố đã tổ chức thành công 89 phiên, sàn giao dịch việc làm, kết quả đã có 4.898 lao động được nhận vào làm việc sau khi phỏng vấn. Theo kế hoạch, trong quý III/2021 tới, Hà Nội dự kiến tổ chức 70 phiên GDVL, trong đó: 02 phiên GDVL chuyên đề, 02 phiên GDVL online, 05 phiên GDVL lưu động và 61 phiên GDVL hàng ngày tại các điểm, sàn GDVL thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Trong quý IV/2021, tổ chức 65 phiên GDVL, trong đó: 01 phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, 01 phiên GDVL online, 02 phiên GDVL chuyên đề và 61 phiên GDVL hàng ngày tại các điểm, sàn GDVL thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại Trung tâm DVVL Hà Nội
Cùng với đó, thành phố tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp website: http://vieclamhanoi.net thành Cổng thông tin việc làm của thành phố phục vụ công tác tuyển dụng, tìm việc của doanh nghiệp và người lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối cung cầu lao động trên toàn hệ thống điểm, sàn giao dịch việc làm thành phố và kết nối với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin dịch vụ việc làm Việt Nam (Esip) để hỗ trợ giao dịch việc làm trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động; tạo lập cơ sở dữ liệu về thị trường lao động thống nhất trên toàn quốc; làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách điều tiết thị trường lao động của Chính phủ.
Trung tâm DVVL Hà Nội kết nối việc làm cho người lao động
Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực Thủ đô, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, nghề nghiệp, các ngành nghề dịch chuyển dưới tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch Covid-19 và các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng tham gia vào thị trường lao động. Tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống báo cáo thị trường lao động như: Bản tin cập nhật thị trường lao động hàng quý; báo cáo thị trường lao động hàng tháng; báo cáo thường niên về xu hướng Việc làm - Dạy nghề; báo cáo chuyên đề về thị trường lao động...
Đối với hoạt động xuất khẩu lao động, năm 2021, Hà Nội tiếp tục khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường mới tiềm năng cũng như các thị trường truyền thống; đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề mới, đòi hỏi trình độ cao cả về tay nghề và ngoại ngữ, các nghề trong lĩnh vực yê tế, dịch vụ… Phát hành tờ rơi, áp phích, sổ tay hỏi đáp đến tận các xã, phường, thị trấn, thông báo trong các cuộc họp xã, phường về xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố; niêm yết công khai danh sách các đơn vị được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động có đủ thông tin, chủ động trang bị các điều kiện đi làm việc ở nước ngoài.
Đồng thời thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyển chọn lao động trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức giới thiệu việc làm cho đối tượng lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn; hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng học nghề, học ngoại nữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và nghiêm khắc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; xử lý nghiêm những lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc bỏ trốn ở lại.
Người lao động trao đổi thông tin tại Trung tâm DVVL Hà Nội
Về nhóm giải pháp vay vốn giải quyết việc làm, Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực của Trung ương và địa phương triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Trong trường hợp không đáp ứng đủ nguồn lực sẽ có cơ chế linh hoạt tạo thuận lợi cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tăng nguồn vốn cho vay; tăng cường nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác cho vay hỗ trợ tạo việc làm qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để có cơ hội tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong 5 tháng đầu năm năm 2021, toàn thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 78,6 nghìn lao động, đạt 49,1% kế hoạch giao trong năm, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền gần 1,2 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho hơn 26,2 nghìn lao động. UBND thành phố Hà Nội ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 21,7 nghìn người (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước), số tiền trợ cấp là 600 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 993 người với số tiền là 2,9 tỷ đồng. Hy vọng rằng, trong năm 2021, Hà Nội sẽ thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động, thu hút nhiều lao động, hạn chế tình trạng mất việc và thiếu việc làm./.
Mỹ Hạnh