Xã hội
Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc tỉnh Quảng Ninh
01:54 PM 28/11/2019
(LĐXH) – Quảng Ninh hiện có trên 162.500 người DTTS, chiếm 12,31% dân số. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã luôn quan tâm sâu sát, kịp thời về công tác dân tộc và chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo diện mạo mới, khởi sắc ở vùng đồng bào DTTS trong tỉnh.
Xác định việc thực hiện công tác dân tộc nói chung và chăm lo toàn diện cho đồng bào DTTS nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt các chương trình mục tiêu, đề án, chính sách cho khu vực này thông qua các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, chăm sóc y tế, phát triển giáo dục… Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 07 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chủ động đề xuất và vận dụng linh hoạt các nguồn lực, dành cơ chế đặc biệt để thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn, nhất là thông qua thực hiện Chương trình 135, Đề án 196, Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào DTTS cũng được tỉnh chú trọng thông qua các đề án, nhiệm vụ; việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở; phục dựng, tổ chức những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc; tổ chức phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa… Hiện UBND tỉnh cũng đang giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất việc khôi phục, xây dựng một số làng, bản DTTS đặc sắc của tỉnh.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra việc rà soát hộ nghèo tại huyện Bình Liêu
Bà Trần Thị Sủi (thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) là một trong những hộ đi đầu chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất chuyên canh, thoát nghèo hiệu quả. Với nỗ lực vươn lên cùng sự hỗ trợ kịp thời từ vốn vay của Nhà nước, gia đình bà đã đầu tư hơn 200 gốc ổi lai lê Đài Loan; sau hơn 3 năm đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Bà Sủi chia sẻ: "Bằng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi đã chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng ổi, kết hợp nuôi gà thả đồi, mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng. Nhiều hộ dân trong xã đã học tập, làm theo...",.
Bà Sủi chỉ là một trong hàng chục nghìn hộ dân vùng đồng bào DTTS được “đổi đời” nhờ thụ hưởng kịp thời và vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước. Theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng đã cho 55.200 lượt khách hàng hộ DTTS vay vốn 2.100 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp trên 4.800 hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững; thu hút và tạo việc làm cho gần 30.200 lao động.
Trong 5 năm qua, các nguồn lực đầu tư từ chương trình 135, xây dựng nông thôn mới... đã tạo chuyển biến quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực đồng bào DTTS. Đến nay, 100% các xã có đường ô tô cứng hoá đến trung tâm xã; có đủ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, đưa Quảng Ninh đứng đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; 100% số hộ dân ở các xã đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia, điện năng lượng mặt trời; trên 96,5% số hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
và các đại biểu trao đổi, trò chuyện với bà con nhân dân xã Bình Dân
Thu hẹp khoảng cách
Các chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân. Đã xuất hiện nhiều tấm gương người DTTS mạnh dạn đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi. Tiêu biểu như HTX CHUKA do anh Lỷ A Tài làm giám đốc (thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An, huyện Đầm Hà), đã tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển nghề mây tre đan, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương; sản phẩm của HTX bắt đầu tiếp cận thị trường quốc tế.  
Thông qua việc thực hiện các chính sách dân tộc, đời sống tinh thần, dân trí vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Hiện có 88,76% số hộ đồng bào DTTS trong tỉnh đạt danh hiệu gia đình văn hóa; gần 91% các xã đạt tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; 95,5% các xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông. Hiệu quả từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã đem lại những chuyển biến tích cực, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn xã hội.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng DTTS ngày càng được tăng cường, mạng lưới y tế được củng cố và hoàn thiện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất, giảm nghèo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhìn chung, những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, là tiền đề quan trọng để tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

Nam Khánh