Lao động
Tín dụng chính sách tạo động lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại Ninh Thuận
09:40 AM 12/12/2019
(LĐXH) - Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, có được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể ở Ninh Thuận. Đặc biệt Chỉ thị đã tác động tích cực, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương.

Xác định tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, thiết thực, hiệu quả và có tính nhân văn sâu sắc, ngày 23/4/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Chỉ thị số 67 - CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức thực hiện. Từ khi thực hiện Chỉ thị đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã tăng 25 tỉ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến ngày 30/6/2019 đạt 45 tỉ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tích cực huy động nguồn vốn từ các tổ chức và cá nhân, tiền gửi tiết kiệm của tổ viên thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn bổ sung vào nguồn vốn cho vay của chi nhánh để đầu tư trở lại cho đối tượng thụ hưởng với số dư nguồn vốn đạt 90 tỉ đồng. Giai đoạn 2014 - 2019, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân cho trên 150 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền gần 3.300 tỉ đồng; giải quyết cho trên 30.600 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; trên 6.400 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; xây dựng trên 21.400 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn...

Vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài là lựa chọn của nhiều hộ nghèo và thanh niên ở Ninh Thuận

Hiệu ứng tích cực từ tín dụng chính sách xã hội đã có tác động mạnh trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, cụ thể đã góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh từ 1,5% - 2%; qua đó thu hẹp đáng kể khoảng cách giàu nghèo, giảm tỉ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhờ nguồn tín dụng ưu đãi, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài nhằm nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Số tiền người lao động tích lũy đã gửi về gia đình phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo, bền vững nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bác Ái, đồng thời tạo việc làm ổn định người thân ở địa phương từ nguồn thu nhập trên. Một số gia đình đã thoát nghèo và có kinh tế khá hơn.

Công tác tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách xã hội của các cấp ủy đảng ở Ninh Thuận ngày một đi vào chiều sâu, được thực hiện dưới nhiều hình thức phù hợp, giúp các đối tượng thụ hưởng hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ cũng như hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội về các chương trình tín dụng. Các đối tượng vay vốn được tổ chức bình xét theo địa bàn dân cư công khai và dân chủ. Trước khi NHCSXH xét duyệt cho vay, Hội đoàn thể nhận ủy thác phối hợp các cơ quan khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh. Qua những việc làm đó, người dân từng bước có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ khi vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo; nhiều hội viên đã năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng và trở thành những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi từ vốn vay.

Nhiều mô hình sản xuất đã phát huy tính hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững

Phát huy kết quả đạt được, cấp ủy các cấp và chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở Ninh Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Qua đó để hoạt động tín dụng chính sách ngày càng có hiệu quả hơn, chất lượng tín dụng ngày một được nâng lên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo trật tự, an toàn và an sinh xã hội, đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Trần Huyền