Lao động
Đánh giá Công tác tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017
02:49 PM 31/03/2017
(LĐXH) – Sáng ngày 31/3/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá công tác tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017”.
TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cùng với trên 500 đại biểu đến từ Trường cao đẳng, trung cấp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được Quốc hội khóa 13 ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/07/2015, quy định về các cấp trình độ đào tạo như: Sơ cấp, Trung cấp, cao đẳng; cơ sở GDNN bao gồm: Trung tâm GDNN, Trường trung cấp, trường Cao đẳng.

Như vậy, hệ thống GDNN đã có những thay đổi lớn: Thống nhất cao đẳng (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý) và Cao đẳng nghề (do Bộ Lao động – TBXH quản lý) thành cao đẳng, thống nhất TCCN (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý) và TCN (do Bộ LĐTBXH quản lý) thành trung cấp. Tại nghị định số 48/2015/NĐ – CP ngày 15/5/2015, Chính phủ quy định cả 2 Bộ (LĐTBXH, Bộ GDĐT) thực hiện chức năng quản lý nhà nuốc về GDNN ở trung ương đối với trình độ trung cấp và cao đẳng; hai Bộ có trách nhiệm xây dựng, phối hợp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn các nội dung quản lý Nhà nước về GDNN đối với trình độ trung cấp, cao đẳng. Trong đó, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2016 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 thì không còn hình thức thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng. Do vậy, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật GDNN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại Nghị quyết số 76/NQ – CP ngày 03/9/2016, Chính phủ thống nhất giao Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN. Ngày 30/12/2016, hai Bộ đã thực hiện việc bàn giao công tác quản lý nhà nước về GDNN đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Từ ngày 01/01/2017, việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được thực hiện theo qiuy định của Luật GDNN và hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Vì vậy, mục đích của Hội nghị này là nhằm đánh giá lại công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp của năm 2016 và nhiệm vụ của năm 2017. Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ triển khai các Quyết định của Chính phủ về việc quy hoạch lại mạng lưới Giáo dục nghề nghiệp trong phạm vi toàn quốc. Sau khi có quy hoạch, Bộ sẽ rà soát lại các trường về công tác tuyển sinh đào tạo, ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo. Đặc biệt là các trường đào tạo chất lượng cao. TS. Nguyễn Hồng Minh cũng yêu cầu các trường trung cấp, cao đẳng trong thời gian tới nhanh chóng tổ chức nghiên cứu và đổi tên trường, đăng ký ngành nghề đào tạo phù hợp với Luật GDNN và phát huy tính tự chủ của đơn vị để tiến tới là trường tự chủ hoàn toàn.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có 2.003 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: Trường cao đẳng nghề là 190 trường (142 trường công lập, 48 trường tư thực), trường cao đẳng là 197 trường ( trong đó có 162 trường công lập, 34 trường tư thục, 01 trường bán công), Trường TCN là 297 trường (175 trường công lập, 104 trường tư thục), Trường trung cấp chuyên nghiệp 303 trường (175 trường công lập, 128 trường tư thục), Trung tâm dạy nghề/trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.034 trung tâm.

Theo báo cáo tổng hợp của 63 tỉnh thành trong cà nước, trong năm 2016, các trường đã tuyển sinh đạt 2.367.654 người. Trong đó, Trình độ cao đẳng (CĐ) và Cao đẳng nghề (CĐN) là 241.411 sinh viên (CĐ ước đạt 149.852 sinh viên, CĐN là 91.559 sinh viên), chiếm 10,2%. Trình độ trung cấp nghề (TCN) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là 290.231 học sinh (TCN là 147.096 học sinh, TCCN là 143.135 học sinh), chiếm 12,3%. Trong đó học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCN và TCCN là 116.222 người, chiếm 40% so với số học sinh vào TCN và TCCN. Về trình độ sơ cấp nghề (SCN và dạy nghề (DN) dưới 3 tháng đã tuyển sinh đào tạo 1.836.012 người, chiếm 88% so với tổng số tuyển sinh học nghề năm 2016.

Kết quả tuyển sinh năm 2016 về CĐN, TCN, SCN và DN thường xuyên đạt 96,5% so kế hoạch đề ra. Kết quả tuyển sinh trình độ CĐ, TCCN được phân theo vùng kinh tế như: Vùng đồng bằng sông Hồng tuyển sinh được  80.450 ( chiếm 345), Vùng Trung du và miền núi được 29.028 người (chiếm 12%), Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tuyển được 52.943 người (chiếm 22%), Vùng Tây Nguyên được 8.984 người  (chiếm 4%) và Vùng Đông Nam Bộ 44.864 người (chiếm 19%), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 22.886 (chiếm 10%).

Về công tác tuyển sinh tại 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao vào năm 2020, tuyển sinh được 156.054 người (tăng 5% so với năm 2015).

Theo báo cáo đánh giá tại Hội nghị, trong năm 2016, công tác tuyển sinh đào tạo các trường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng và phân bố rộng khắp ở các địa phương triên phạm vi cả nước. Công tác tuyên truyền về học nghề cũng đã được các cơ sở dạy nghề quan tâm. Nhiều cơ sở dạy nghề đã xác định được công tác tuyển sinh là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự tồn tại và phát triển của trường. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt từ 80%  đến 90% và có ngành nhề đạt 92% trở lên, góp phần có thu nhập ổn định cuộc sống cho người lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn như:  Công tác phân luồng  học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nhề chưa được thực hiện tốt, chỉ có 5 – 7% số học sinh THCS tốt  nghiệp vào học TCN và TCCN, trong khi mục tiêu của Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị thì tỷ lệ này phải là 30% vào năm 2020.

Mặt khác, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng  về vị trí, vai trò phân luồng, hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương chưa đầy đủ, còn coi nhẹ. Công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận xã hội chưa nhận thức đúng đầy đủ về vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chất lượng đầu vào của học sinh vào giáo dục nghề nghiệp còn thấp, năng lực đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, cơ sở vật chất trang thiết bị thực hành chưa được chú trọng đầu tư; nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về quyền lợi của mình trong việc tham gia đào tạo nghề…

Để triển trai hiệu quả trong công tác tuyên sinh, tốt nghiệp năm 2017, Bộ LĐTBXH đặt ra mục tiêu: Tuyển sinh GDNN là 2,2 triệu người, trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách Quyết định 1956 là 600 nghìn người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật khoảng 20 nghìn người). Trong năm 2017, dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp GDDN theo các cấp trình độ đào tạo là 1,939 triệu người, trong đó: Cao đẳng, trung cấp khoảng 450 nghìn người; sơ cấp và dưới 3 tháng khoảng 1,481 triệu người.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe 10 tham luận của các cơ quan quản lý về GDNN của các địa phương và các trường Cao đẳng, trung cấp nêu lên những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị đề xuất các giải pháp trong công tuyển sinh đào tạo năm 2017.

                                                                                                                 Hoàng Cảnh