Xã hội
Bức xúc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng Dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng
05:16 PM 17/08/2016
Theo tiến độ, chính quyền Quận Hồng Bàng phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup triển khai xây dựng dự án từ tháng 3/2016, song cho đến nay gần 400 hộ dân vẫn chưa chấp nhận đền bù, di dời đến nơi ở khác do những tiêu cực, bất hợp lý trong công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các hộ gia đình trong khu vực triển khai dự án, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư, tạo ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.

Dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng (trước đây là Dự án Khu đô thị Xi măng Hải Phòng) nằm cách trung tâm TP Hải Phòng chưa đầy 1km, được triển khai trên diện tích 78,5ha trên địa bàn Phường Thượng Lý, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Khi triển khai dự án này sẽ phải di dời 1297 hộ dân với khoảng 5.000 nhân khẩu vốn đã sinh sống từ hàng chục năm. Theo tiến độ, chính quyền Quận Hồng Bàng phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup triển khai xây dựng dự án từ tháng 3/2016, song cho đến nay gần 400 hộ dân vẫn chưa chấp nhận đền bù, di dời đến nơi ở khác do những tiêu cực, bất hợp lý trong công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các hộ gia đình trong khu vực triển khai dự án, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư, tạo ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Tạp chí Lao động và Xã hội đã nhận được đơn khiếu kiện, đơn kêu cứu của hàng trăm hộ dân Phường Thượng Lý, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng.


Một góc khu đất Dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng đang được giải tỏa, nhà dân bị phá dỡ
trong khi cơ sở hạ tầng khu tái định cư chưa hoàn thiện,
người dân chưa có điện, nước sinh hoạt.


 Được biết, “đại dự án” Vinhomes Riverside Hải Phòng có tổng vốn đầu tư lên tới 29 nghìn tỷ đồng, diện tích sàn xây dựng là 1.345.200m2 , gồm 5 khu chức năng: Khu thương mại văn phòng; Vùng giao lưu văn hóa, Vùng mua sắm trung tâm; Vùng công trình phức hợp; Vùng cộng đồng bền vững. Đây là dự án có tính chiến lược, sau khi hoàn thành sẽ là khu đô thị lý tưởng với qui hoạch hướng tới một đô thị hiện đại, thể hiện bản sắc kiến trúc đô thị, vị thế của Hải Phòng, một thành phố biển, đô thị loại 1 cấp quốc gia, cửa ngõ hướng ra quốc tế của khu vực phía Bắc.
Việc đầu tư, xây dựng một khu đô thị mới hiện đại là để phát triển kinh tế - xã hội, làm đẹp thêm thành phố Cảng Hải Phòng, và cũng là để cải thiện điều kiện sống của người dân, song quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hàng nghìn người dân nằm trong khu vực triển khai dự án, trong đó có hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo, gia đình chính sách, những người đã gắn bó và góp phần đáng kể xây dựng khu vực này từ chỗ còn hoang vu, bẩn thỉu với bãi rác, hố bom, ao hồ…thành khu dân cư đông đúc, sầm uất như hiện nay chưa được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết thỏa đáng.
Một trong những vấn đề tạo nên sự bức xúc lớn nhất, sự phản đối quyết liệt của hàng trăm hộ dân Phường Thượng Lý, Quận Hồng Bàng là việc định giá bồi thường đất của những hộ dân nằm khu vực triển khai dự án. Theo Quyết định 2353 của UBND TP Hải Phòng ngày 13/10/2015 về việc phê duyệt giá đất để bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án Khu đô thị Xi măng Hải Phòng tại phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, mức bồi thường cho các gia đình ở Đường Hà Nội, đoạn từ cầu Xi măng đến ngã 5 Thượng Lý chia làm 4 vị trí, mức cao nhất là 21 triệu đồng/m2 và mức thấp nhất là 3.150.000/m2 đồng. Các gia đình ở đường Cầu Bính, đoạn từ ngã 5 Thượng Lý đến Cầu Bính mức bồi thường cũng được tính cho 4 vị trí, mức giá cao nhất là 11.550.000/m2 và mức thấp nhất chỉ được bồi thường với mức 2.310.000 đồng/m2. Theo nhiều người dân, Vinhomes Riverside Hải Phòng đơn thuần chỉ là dự án có mục đích kinh doanh thương mại chứ không phải vì mục đích an ninh quốc phòng hay tình trạng khẩn cấp Quốc gia, vì vậy giá bồi thường giải phóng mặt bằng phải được tính theo giá phổ biến trên thị trường, đối với đất có cùng mục đích sử dụng đã qua chuyển nhượng trên cơ sở có sự thỏa thuận với dân. Trong khi đó mức giá bồi thường mà UBND Hải Phòng qui định chỉ bằng 1/3 – ¼ giá phổ biến trên thị trường ở thời điểm hiện nay. Một số hộ dân còn bị trừ 40% tiền sử dụng đất nên thực tế giá đền bù không được là bao. Cũng theo ý kiến của nhiều người dân, khung giá phương pháp hệ số theo Quyết định 2353/QĐ-UBND nói trên chỉ được áp dụng để định giá đất cho các trường hợp qui định tại khoản 2, Điều 18, Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ qui định về giá đất, chứ không phù hợp để áp đặt đền bù đối với dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng.
Người dân phường Thượng Lý, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng  bày tỏ những bức xúc
trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Kỳ, sinh năm 1947, là thương binh hạng ¾ bị cụt chân phải, thân thể còn nhiều vết đạn, trú tại 48/228 Bạch Đằng, Phường Thượng Lý, Quận Hồng Bàng vừa uất ức đưa lá đơn kêu cứu thứ 9 vừa cho biết: “Nhà tôi nằm trong khu vực triển khai Dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng. Chúng tôi đang ở bình yên, không bán nhà bán đất mà có người của chính quyền đến đo nhà và tự định giá với mức quá “bèo bọt”. Đất thành phố đô thị loại I mà bồi thường có 1,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó vừa động thổ khu đô thị gần bờ sông, vài tháng sau chủ đầu tư treo biển bán mấy chục triệu đồng/m2. Nhà tôi hai tầng xây trên diện tích 28m2, diện tích sử dụng là 56m2 kèm theo nhiều nội thất mà chỉ được đền bù chưa đến 200 triệu đồng. Thật quá bất công!”


Bà Nguyễn Thị Lan, ở 39/4 đường Cầu Bính, có nhà 36,1m2, đầy đủ giấy tờ
được đền bù hơn 2,3 triệu đồng/m2.
Bà Nguyễn Thị Thêm, ở 246 đường Bạch Đằng, Phường Thượng Lý, bán hàng tạp hóa lo lắng
vì cả gia đình có nguy cơ thất nghiệp, không biết lấy gì sinh sống
khi bị thu hồi hết đất và đền bù với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Ông Kỳ còn thể hiện nỗi bức xúc trước việc kiểm kê tài sản một cách đầy “ngẫu hứng”, cảm tính và theo tình cảm cá nhân của cán bộ kiểm kê. Cụ thể, cổng nhà ông Kỳ có 2 trụ thì ghi 1 trụ, bình nóng lạnh dung tích 30 lít ghi 15 lít, đất đường thấp, nhà cao không tính công đổ nền. Trong khi đó nhà Tổ trưởng dân phố Nguyễn Văn Táu có 9 bậc cầu thang thì ghi thành 19 bậc, một cái cửa sổ gỗ tạp bé con con ghi là gỗ lim kích thước 1,2x 2m và định giá hơn 10 triệu đồng. Tường trát vữa, quét ve ghi là tường ốp gạch LD định giá 7,5 triệu đồng… Nhiều hạng mục không có cũng ghi khống hoặc sai kích thước, kết cấu, vật liệu để lấy tiền đền bù, hỗ trợ.
Nhà bà Vũ Thị Khánh ở 16/4 đường Cầu Bính, Phường Thượng Lý là gia đình chính sách có chồng là thương binh 2/4, thần kinh bị ảnh hưởng bởi sức ép bom, nhiễm chất độc hóa học, con trai ông bà năm nay 22 tuổi cũng bị nhiễm chất độc hóa học từ bố, bị sứt môi, hở hàm ếch, trí tuệ chậm phát triển. Gia đình bà Khánh về sống tại đây từ năm 1970, năm 1996 được xí nghiệp cấp 80m2 đất và bản thân bà đã bỏ nhiều công sức lấp hồ ao, hố bom khai hoang được 283m2 và đóng đầy đủ thuế đất cho diện tích nói trên. Đất nhà bà được áp giá cho vị trí 4 (2.310.000 đồng/m2) cộng với 5 ngôi nhà cấp 4 và nhiều nội thất, cây cối, hòn non bộ… tổng số tiền mà gia đình bà được bồi thường là 1 tỷ 50 nghìn 112 đồng. Quá bức xúc và xót xa cho số tài sản được gây dựng bằng mồ hôi nước mắt của gia đình mình, người thương binh chồng bà thường lên cơn kích động mạnh mỗi khi có người của chính quyền địa phương vào vận động, thuyết phục di dời.
Cụ Lê Thị Nghĩa, mẹ của liệt sỹ Phạm Văn Hữu trú tại 8/78 Cầu Bính, phường Thượng Lý đã nhiều lần mang di ảnh của liệt sỹ Hữu, con bà ra đường, lên cơ quan chức năng để bày tỏ những bất bình của mình về giá bồi thường. Cụ Nghĩa cho biết: “Tôi đã sống trong căn nhà này từ cuối những năm 90. Khu đất này trước đây là hố bom, bãi rác bỏ hoang không đơn vị nào quản lý. Tôi đã cải tạo, san lấp dựng nhà ở. Nhưng vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất trước năm 2004 nên hơn 500 m2 đất của gia đình tôi không được bồi thường, chỉ được hỗ trợ  30% giá trị kiến trúc. Nếu phải di dời không biết sau này tôi sẽ sống ra sao!”.
Theo Bà Nguyễn Thị Lan, ở tại số nhà 39/4 Đường Cầu Bính, nhà bà có 36,1m2 có giấy tờ đầy đủ, nhà xây 2 tầng được đền bù 2,3 triệu/m2. Trong khi đó, cùng một ô đất thì nhà bên cạnh lại được đền bù 11 triệu đồng/m2. Còn gia đình anh Đặng Hồng Quân, trú tại 4B ngõ 1 đường Cầu Bính có nhà diện tích 21m2 do xí nghiệp Xi măng cấp, có giấy tờ chứng nhận của địa phương nhưng chỉ được đền bù tất cả 58 triệu đồng cho cả đất và nhà, không được cấp đất tái định cư. Sau khi bị giải tỏa với 58 triệu đồng không biết cả gia đình, vợ con anh sẽ đi đâu về đâu! Nhà chị Nguyễn Thị Hương, ở tại 33/4 Cầu Bính cũng từng là cựu cán bộ, nhân viên của Công ty Xi Măng Hải Phòng, nhà chị có 46m2 được công ty cấp, có giấy tờ đầy đủ nhưng nay cũng chỉ được đền bù với giá rẻ mạt và chỉ được 40m2 đất tái định cư cho cả gia đình. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân có đất san lấp bãi rác, đất không có giấy tờ thì lại được đền bù với giá cao và được cấp hàng trăm mét đất tái định cư. Đây là một bất cập trong vấn đề cấp đất tái định cư khiến người dân ở đây rất bức xúc.
Theo đơn khiếu nại của hàng trăm hộ dân khu Đoàn Kết – Thắng Lợi, Phường Thượng Lý, chính quyền địa phương đã bất chấp lợi ích của người dân, vi phạm các qui định của pháp luật về việc lập và thực hiện dự án tái định cư trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Điều 85, Luật Đất đai 2013 qui định: “Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư”; ngày 22/1/2015, Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng cũng đã có công văn số 124 chỉ đạo, trao đổi với UBND quận Hồng Bàng về nội dung trên, song hàng trăm hộ dân phường Thượng Lý đã phải di dời, nhà cửa bị phá dỡ trong khi cơ sở hạ tầng, đường dẫn vào khu tái định cư chưa hoàn thiện, chưa có điện, nước sinh hoạt. Nhiều người dân phản ánh, nền đất khu tái định cư đa phần rất yếu, được san lấp sơ sài, để xây dựng nhà ở nhiều gia đình phải ép cọc bê tông, để có thể thi công được phải khoan giếng, kéo nhờ điện từ nơi khác nên chi phí rất tốn kém, trong khi đó tiền đền bù thì rẻ mạt…
 Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ việc để kịp thời thông tin đến bạn đọc.
Thảo Lan