Văn hóa - Thể thao
Triển lãm "Linh thú thời nay" của Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước: Tôn vinh nghệ thuật điêu khắc gốm truyền thống của người Việt
10:56 AM 11/08/2023
(LĐXH)- Ngày 10/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm gốm nghệ thuật "Linh thú thời nay" gồm những tác phẩm điêu khắc gốm về đề tài linh thú của Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước tên thật là Trần Xuân Triều, sinh năm 1974, tại quê lúa Thái Bình, nhưng cơ duyên và tình yêu đối với nghệ thuật gốm đã đưa ông đến với Bát Tràng. Nghệ nhân Trần Nam Tước coi Bát Tràng là quê hương thứ hai của mình. Trần Nam Tước là người duy nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú Bát Tràng nhưng không phải là người sinh ra ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng.
Tác phẩm trứng nở “Biết đâu nguồn cội”
Triển lãm trưng bày trên 30 bộ tác phẩm điêu khắc gốm về đề tài linh thú của Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước, như "Ngựa chầu," "Lân sư," "Cá rồng," "Long ngư…"
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm thể hiện sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa của gốm Bát Tràng truyền thống với những tìm tòi, sáng tạo mới trong màu men, hình khối của tác giả… để tạo nên những tác phẩm gốm hiện đại mang giá trị thẩm mỹ cao, chứa đựng thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam qua hình tượng linh thú.
Triển lãm "Linh thú thời nay" mở cửa đến hết ngày 20/8/2023 tại tầng 1, nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Yêu mến tài năng và các tác phẩm về đề tài linh thú của Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước, nhà sưu tập Bùi Hữu Trường đã quyết định mua lại toàn bộ các tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, trong Triển lãm này, Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước đã mang đến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gốm mang đậm hồn cốt văn hóa truyền thống của người Việt.
Nghệ nhân  Ưu tú Trần Nam Tước
Bằng bàn tay tài hoa của mình, Nghệ nhân Trần Nam Tước đã tạo nên nhiều tác phẩm điêu khắc gốm có giá trị và có những đóng góp mới cho sự nghiệp phát triển đa dạng của giới nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Ông đã thành công trong việc "níu" lại những giá trị văn hóa cổ mang đậm hồn cốt Việt trên từng tác phẩm của mình. Qua đó có thể thấy, với những nỗ lực trong sáng tạo của các nghệ sỹ, nỗ lực trong việc kế thừa, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cổ xưa, các nghệ nhân, nghệ sỹ đã làm nên câu chuyện mới, câu chuyện khác cho nghệ thuật gốm Việt Nam.
Thời mới về Bát Tràng, năm 1996, Trần Nam Tước chỉ là một thợ giúp việc trong các nhà lò gốm. Trong quá trình làm ở đây, ông đã không ngừng nghiên cứu, thể nghiệm và nhận thấy những giá trị của men gốm Bát Tràng.
Mặc dù là người đi sau kế thừa học hỏi tinh hoa, song những sản phẩm của nghệ nhân để lại dấu ấn cá nhân, tái hiện sự tinh hoa của làng nghề. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm của Trần Nam Tước luôn được các chuyên gia đầu ngành đánh giá cao.
Cắt băng khai mạc Triển lãm "Linh thú thời nay".
Trong cuốn sách "Linh thú thời nay", ghi lại hành trình suốt hơn 30 làm nghề của mình, Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước nói về cơ duyên đã đưa ông đến với nghề gốm với những lời tự sự đầy mộc mạc: "Năm tháng cuộc đời với chuỗi ngày phiêu bạt trên khắp nẻo miền quê, có lẽ tôi và nghiệp nghề đã thấu hiểu cho nhau. Cũng như bao người con quê lúa lang bạt muôn phương, với nhiều nhọc nhằn trên con đường cầu thực, và tới nay đã ba mươi năm có lẻ, tôi mới có một chút thời gian nhìn lại những thú chơi của nghề.
Tôi làm gốm từ khi còn thơ dại, bởi tháng Tám mùa thu khi trăng non còn chưa mọc, thì lũ trẻ chúng tôi đã hì hụi tự đắp cho mình những con linh thú không thể thiếu của đêm rằm. Từ đây hình tượng của sư tử, kỳ lân, đã bám chặt vào đời tôi như một duyên nợ. Quả là đất đã chọn người! Rồi cứ thế dòng thời gian lặng lẽ trôi đi, đến một ngày, người bác ruột của tôi đã mang về một phần của con linh thú bị vỡ và nói: “Mày làm đi, mày làm được đấy, mày làm hộ các cụ để đặt ở đền làng”. Thằng bé hăng say nhào nặn, cuối cùng rồi cũng xong, và phần thưởng là một bữa chén no nê mà giờ đây tôi vẫn thầm cảm ơn...!"
Nghệ sĩ Trần Nam Tước giao quyền sở hữu bộ sưu tập được trưng bày tại Triển lãm cho nhà sưu tập Bùi Hữu  Trường
 Ông Nguyễn Trọng Đoan, họa sĩ chuyên sáng tác và nghiên cứu gốm chia sẻ về Nghệ nhân Trần Nam Tước: Không qua một trường lớp nào dạy nghề gốm, không có tiền, không có bạn bè, không có một hứa hẹn gì cho tương lai mà anh hăm hở xăm xăm về Bát Tràng - một làng nghề có hàng trăm năm lịch sử để lập nghiệp. “Liều” là từ thể hiện sự dũng cảm, là sự dấn thân đến tuyệt đối cho tham vọng thể hiện ham muốn khám phá thân phận mình.
Khoảng đầu những năm 2000, Trần Nam Tước được phong danh hiệu Nghệ nhân có bàn tay vàng bởi một tác phẩm rất nhỏ (tượng Phật ngồi). Anh được các thế hệ nghệ nhân lớn tuổi của Làng nghề Bát Tràng yêu mến, quí trọng nâng đỡ và giúp anh vững vàng trong nghề nghiệp. Anh tiến bộ rất nhanh, thành tài đến ngỡ ngàng cho nhiều bạn nghề và những người quan tâm đến nghệ thuật gốm Việt Nam. Chỉ một vài năm sau đó, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Tác phẩm "Lân sư"
Với hơn 30 năm lập nghiệp tại Bát Tràng, từ hai bàn tay trắng, nay anh đã có tất cả - trở thành một trong những con chim đầu đàn của làng nghề, một nhân vật nhiều uy tín, có ảnh hưởng, để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong nghề và hình ảnh đẹp trong lòng khách yêu gốm.
“Nghệ nhân thì anh thừa nhiều tiêu chuẩn để được bình chọn. Tôi gọi Trần Nam Tước là nghệ sĩ vì tài năng và sự năng động cống hiến của anh vượt trội hơn rất nhiều nghệ sĩ gốm khác được đào tạo cơ bản qua cấp bậc đại học mà tôi biết!”, họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan nói ./.
Một số tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm:
 Thảo Lan