Kinh tế
Tổng cục Hải quan phản hồi về một số vụ việc vướng mắc liên quan đến hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh
05:58 PM 21/05/2019
(LĐXH) Ngày 21/5/2019, Tổng cục Hải quan đã thông tin đến các cơ quan báo chí về một số vụ việc vướng mắc liên quan đến hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh theo quy định tại Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây.
Ảnh minh họa
Nội dung các vụ việc như sau:
1. Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài xuất hiện trường hợp cháu bé 9 tuổi có quốc tịch Australia đứng tên trên tờ khai đề nghị hoàn thuế Giá trị gia tăng với tư cách người mua hàng, hàng hóa là một chiếc đồng hồ trị giá 6 tỷ đồng.
2. Trường hợp người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, đã được cấp thẻ tạm trú dài hạn, khi xuất cảnh có đề nghị hoàn thuế (trị giá tài sản hoàn thuế lớn, ví dụ: đồng hồ đeo tay), sau đó nhập cảnh trở lại Việt Nam và có mang tài sản đã được hoàn thuế theo người:
Ông Hwang Gi Sun, Số hộ chiếu: M15083637, Quốc tịch Hàn Quốc được cấp thẻ tạm trú dài hạn, ngày 03/01/2019 có đề nghị hoàn thuế cho chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 4,39 tỷ đồng.
Ngày 15/01/2019, Ông Hwang Gi Sun xuất cảnh từ Nội Bài đi Thái Lan (trong hóa đơn đặt vé máy bay thể hiện cả chiều đi từ Việt Nam đến Thái Lan và chiều về từ Thái Lan về Việt Nam), mang theo chiếc đồng hồ đã được hoàn thuế. Tuy nhiên, đến ngày 16/01/2019 ông này nhập cảnh trở lại Việt Nam cầm theo chiếc đồng hồ nêu trên.
Tổng cục Hải quan cho rằng, theo quy định hiện hành về phạm vi áp dụng tại Điều 1 Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính thì:
“Thông tư này quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 31/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 và khoản 8 Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng qua các cửa khẩu sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế có đủ điều kiện quản lý nhà nước về hải quan (sau đây gọi tắt là cửa khẩu hoàn thuế)”.
Theo quy định về đối tượng áp dụng hoàn thuế Giá trị gia tăng tại khoản 1 Điều  Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính thì:
 Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trừ thành viên của Tổ bay theo quy định của pháp luật về hàng không, thành viên của Đoàn thủy thủ theo quy định của pháp luật về hàng hải (sau đây gọi tắt là người nước ngoài) mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh do nước ngoài cấp còn giá trị và sử dụng giấy tờ đó để nhập xuất cảnh Việt Nam, mua hàng hóa tại Việt Nam và mang theo hàng hóa ra nước ngoài qua các cửa khẩu hoàn thuế.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính về quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài thì:
 “Được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa đáp ứng quy định tại Điều 11 Thông tư này”.
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính thì hàng hóa được hoàn thuế giá trị gia tăng là hàng hóa đáp ứng quy định sau:
“1. Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hoặc Danh mục hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn Nghị định này.
2. Hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại Điều 3 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
3. Hàng hóa không thuộc đối tượng cấm đưa lên tàu bay quy định tại Điều 12 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
4. Hàng hóa không thuộc các mặt hàng được hoàn thuế giá trị gia tăng của người nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 08/2003/TT-BTC ngày 15/1/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoàn thuế giá trị gia tăng đối với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
5. Hàng hóa mua tại Việt Nam, có hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế được lập trong thời gian tối đa 60 (sáu mươi) ngày tính đến ngày người nước ngoài xuất cảnh.
6. Trị giá hàng hóa ghi trên hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế mua tại 01 (một) cửa hàng trong 01 (một) ngày (kể cả cộng gộp nhiều hóa đơn mua hàng trong cùng 01 ngày tại 01 cửa hàng) tối thiểu từ 02 (hai) triệu đồng trở lên.”
Theo quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh tại điểm d khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì:
1. Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau:
...
d) Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam;
Trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.”
Như vậy, về trường hợp “Bé 9 tuổi Úc làm đơn hoàn thuế đồng hồ 6 tỷ đồng”
Cháu bé có hai hộ chiếu Việt Nam và Australia. Khi xuất cảnh đã xuất trình hộ chiếu Việt Nam, do vậy, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài - Cục Hải quan TP. Hà Nội đã từ chối hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp này do không thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 72/2014/TT-BTC nêu trên.
Ngoài ra, hiện nay, Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính chưa quy định cụ thể về độ tuổi của người đề nghị hoàn thuế. Để ngăn ngừa các trường hợp có thể lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng nêu trên, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản chính sách có liên quan việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.
 Về trường hợp Ông Hwang Gi Sun
Khi xuất cảnh, đối chiếu quy định tại Thông tư số 72/2014/TT-BTC, Ông Hwang Gi Sun là đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng; tại thời điểm đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng nếu có đầy đủ các chứng từ hợp lệ và làm thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng  theo quy định Thông tư số 72/2014/TT-BTC thì việc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội bài đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho trường hợp này là đúng quy định.
 Khi nhập cảnh, căn cứ Điều 54 Luật Hải quan và điểm d khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, trường hợp này chiếc đồng hồ đã được hoàn thuế giá trị gia tăng, nếu cơ quan Hải quan phát hiện ông Hwang Gi Sun nhập cảnh mang theo hành lý có vật phẩm vượt định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
Thảo Lan