Xã hội
Thái Nguyên: Tăng cường nguồn lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
10:31 AM 21/05/2021
(LĐXH) - Là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Thái Nguyên hiện có 9 đơn vị hành chính (6 huyện, 2 thành phố, 1 thị xã; trong đó có 4 huyện miền núi, 1 huyện vùng cao), dân số toàn tỉnh trên 1,2 triệu người, với 51 dân tộc an hem cùng sinh sống.
Trong đó, đồng bào vùng DTTS có trên 384.000 người, chiếm 29,87%; sinh sống chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao gồm Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Toàn tỉnh có 123 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi (chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh), được phân định thành 3 khu vực (I, II, III) theo trình độ phát triển, gồm: 25 xã khu vực I, chiếm 20,2%; 63 xã khu vực II, chiếm 50,8%; 36 xã khu vực III, chiếm 29%. 
Trong những năm qua, nhân dân các vùng đồng bào DTTS trong tỉnh luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù lao động, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, trong đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Riêng trong 5 năm trở lại đây (2015-2020), công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được ghi nhận và đánh giá cao. Nếu như năm 2016, Thái Nguyên còn 48 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thì đến hết năm 2020, có 33 xã ra khỏi tình trạng ĐBKK (tương ứng với 69%); dự kiến toàn tỉnh chỉ còn 15 xã ĐBKK trong giai đoạn 2021-2025. Năm 2018, huyện Võ Nhai (huyện vùng cao duy nhất của tỉnh) đã đủ điều kiện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo - huyện 30a.
Cuộc sống vùng đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên ngày càng khởi sắc
Năm 2019, Thái Nguyên có 19/63 xã, 75/94 thôn xóm được thụ hưởng Chương trình 135 hoàn thành mục tiêu của Chương trình (là tỉnh đứng đầu toàn quốc). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm nhanh, trong những năm gần đây giảm bình quân từ 3-4%/năm… Nhìn chung, công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên tăng 3 bậc, xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp (chỉ sau tỉnh Quảng Ninh).
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 77/112 xã (bằng 69%) vùng DTTS và miền núi trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng DTTS và miền núi của tỉnh cao gấp ba lần bình quân chung của vùng DTTS và miền núi toàn quốc (toàn quốc đạt 22,29%); toàn tỉnh có 9 xã ĐBKK đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn 2016-2020, Thái Nguyên đã thành công xóa “trắng điện lưới Quốc gia” tại 76/76 xóm, bản thiếu điện; xây mới toàn bộ 33/33 phòng học tạm ở các xã ĐBKK. Đến nay, có 8,03% số học sinh DTTS được học tại các trường nội trú.
Ngày 19/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 nhằm tăng cường nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh; giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của các dân tộc, củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh và huy động thêm các nguồn lực tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết trong nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 
Theo đó, Kế hoạch xác định 10 lĩnh vực ưu tiên thu hút nguồn lực và vận động viện trợ:
- Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ DTTS. Thu hút vận động các nguồn lực tài chính để ủng hộ đồng bào DTTS nghèo chưa có đất ở để ổn định cuộc sống
- Sắp xếp, quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; hỗ trợ cho hộ gia đình tái định cư hoặc ổn định tại chỗ.
- Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ bảo vệ rừng; hỗ trợ ứng dụng KHCN, kỹ thuật cây, con giống…; hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp…
- Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, nhà ở cho học sinh bán trú, công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh…
- Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS; hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; Hỗ trợ thanh niên DTTS tìm kiếm được việc làm phù hợp với trình độ đào tạo, khả năng, nguyện vọng.
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS…
- Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
- Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Tập trung phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người, di cư lao động không an toàn, những tập tục văn hóa có hại đối với phụ nữ, trẻ em; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tự quản và phát triển cộng đồng.
- Đầu tư phát triển cho nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Hỗ trọ cải thiện dân số của vùng đồng bào các DTTS, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 6 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc
- Tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ đồng bào vùng DTTS ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đông bào DTTS và miền núi.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, vận động và sử dụng nguồn vốn viện trợ; Tăng cường năng lực thu hút đầu tư, vận động và sử dụng nguồn vốn nước ngoài; Quản lý và đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác, cung cấp chia sẻ thông tin; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn nước ngoài;
Theo kế hoạch, Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cung cấp thông tin liên quan quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý; đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của tỉnh và các cơ quan liên quan vận động, kêu gọi tài trợ, đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất cho UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc./.
Hà Giang