Kinh tế
Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã xanh, bền vững: Xu thế tất yếu
08:11 PM 27/11/2023
(LĐXH)- Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên, tạo cơ hội cho phát triển khu vực hợp tác xã. Tuy nhiên, năng lực và nguồn lực của các hợp tác xã còn hạn chế; thách thức của thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao. Để thích ứng với thực tế này, phát triển kinh tế mô hình hợp tác xã xanh, bền vững là xu thế tất yếu.
Tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” diễn ra ngày 24/11/2023, tại Hà Nội, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho hay mặc dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua, nhưng hoạt động của của HTX còn bộc lộ nhiều điểm yếu, đông nhưng chưa mạnh.
Hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Tuy nhiên lâu nay, HTX bộc lộ điểm yếu về nhiều thứ từ nhân lực, tài lực, kinh nghiệm. Điểm yếu nhất của HTX hiện này là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất là công tác quản trị.
Đồng thuận với đánh giá nêu trên, TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng, phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp. Năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp dẫn đến khó áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải carbon thấp. Khó hấp thụ được các chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn. Khả năng chuyển đổi mô hình hoạt động kém linh hoạt.
Mặt khác, tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến dẫn đến khả năng cạnh tranh dựa vào lợi thế quy mô kém.
Quang cảnh Diễn đàn Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, trong đó chủ lực là vải thiều đưa sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU… Để xuất khẩu sang thị trường khó tính, điều đầu tiên là đơn vị phải phát triển vùng nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, việc hợp tác với các HTX không hề dễ. Doanh nghiệp phải đồng hành cùng với bà con nông dân, hỗ trợ HTX chuyển đổi quy trình sản xuất. Nhưng HTX còn yếu về tổ chức sản xuất, thiếu tính kết nối. Đây là bài toán khó.
Theo TS. Vũ Mạnh Hùng, có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển kinh tế HTX xanh, bền vững. Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các HTX nông nghiệp chuyển đổi xanh. Cụ thể, Quyết định số 1658 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đã định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.
Trong tiến trình chuyển đổi xanh, các HTX sẽ có cơ hội nâng cao năng lực quản trị, năng lực nội tại của mình thông qua việc đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ và lao động của HTX. Gia tăng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao, nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mang lại lợi ích lớn hơn cho HTX và các thành viên.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến nhiều thách thức cho các HTX nông nghiệp. Đơn cử, sự phát triển không đồng đều của HTX giữa các địa phương, vùng, miền dẫn đến việc các HTX khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như: chính sách đào tạo, các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động của HTX; các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đỏi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong HTX.
Về giải pháp, bà Cao Xuân Thu Vân nêu quan điểm, HTX cần chính sách đặc thù chứ không phải chính sách ưu tiên. HTX cần nhìn lại mình, tìm ra điểm nghẽn của chính mình và cần phát triển xử lý điểm nghẽn nào. “HTX phát triển bền vững mới giúp nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh manh mún tự phát…” - bà Vân nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để không tụt hậu, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý, các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn xanh, bền vững, không làm hại tới môi trường. Ở đây chính là việc sử dụng hạn chế đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, là sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP hay các tiêu chuẩn thế giới; sản xuất bền vững tiến tới áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu…
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị quyết về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững".
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp, như tập huấn nâng cao nhận thức cho trên 1.400 cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm. Triển khai sàn giao dịch điện tử tiêu thụ sản phẩm cho HTX (thị trường xuất khẩu) sử dụng công nghệ blockchain (giúp dữ liệu không thể thay đổi, minh bạch quy trình, thông tin của sản phẩm). Quan điểm của Bộ NN&PTNT là càng nhiều nông dân tham gia vào HTX thì càng nhiều hộ được hưởng từ các chương trình hỗ trợ, trong đó có chiến lược phát triển bền vững./.
Khánh Linh