Xã hội
Nhiều nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn ở Kon Tum
08:46 AM 24/09/2019
(LĐXH) - Kon Tum là khu vực chiến trường ác liệt trước ngày giải phóng đất nước, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều còn tồn, sót lại bom mìn từ thời chiến tranh; tình trạng ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ đã ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, các vụ tai nạn bom mìn, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh đã làm chết và bị thương hàng ngàn người với nhiều nguyên nhân khác nhau, những nạn nhân chủ yếu là lao động chính trong gia đình, nhiều nạn nhân sống sót nhưng không còn lành lặn đã để hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, tỉnh Kon Tum đã rà soát, điều chỉnh bổ sung các dự án rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình thuộc nhiệm vụ của địa phương theo quy định. Cùng với đó, quá trình phát triển của nền kinh tế, việc khai hoang, mở đường diễn ra trên diện rộng, lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các lực lượng công binh trong toàn quân đã tổ chức rà phá bom mìn tương đối nhiều. Trên các dự án, lực lượng công binh tỉnh đã rà phá được khoảng gần 500ha và thu gom vật liệu nổ gần 12 tấn.

Đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương cùng với nỗ lực của các ngành, các cấp, tỉnh Kon Tum đã rà phá bom mìn, giải phòng mặt bằng được khoảng 1.500 hecta, thu gom một số lượng lớn bom đạn, vật liệu nổ còn tồn sót với khoảng 37,5 tấn các loại... Cơ bản tập trung ở các huyện: Ngọc Hồi, Kon Plông, Ia H’Drai, Sa Thầy. Tuy nhiên diện tích rất là rộng chỉ giải phóng được phần nhỏ ở các khu dân cư. Lượng diện tích còn lại rất lớn.

Để đảm bảo giải phóng được bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở những khu đông dân cư, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Trung ương bổ sung các nguồn ngân sách để giải phóng phần ô nhiễm lớn đặc biệt là các khu đông dân cư; kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ người ta quan tâm đến ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đầu tư vào để cố gắng giải phóng càng nhanh càng tốt diện tích ô nhiễm bom mìn đặc biệt là các khu đông dân cư.

Trong các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân, ngày 16/9/2019, Chi hội Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Kon Tum đã được thành lập. Cùng với chính quyền địa phương, Chi hội tỉnh Kon Tum sẽ phối hợp với các cấp, các ngành liên quan thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng ngừa, khắc phục, từng bước giảm thiểu và triệt tiêu tác hại của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; chủ động xây dựng kế hoạch, phát triển hội viên; tăng cường tập hợp các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tích cực huy động các nguồn lực cùng chung tay thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn cho nhân dân trên địa bàn tỉnh...

Chi Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Kon Tum chính thức ra mắt

Ngay tại sự kiện này, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phối hợp với Quỹ Hòa bình Mỹ Lai trao hỗ trợ sinh kế cho 40 nạn nhân bị tai nạn bom mìn trên địa bàn tỉnh Kon Tum với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/người; Quỹ Thiện nguyện thành phố Hồ Chí Minh trao hỗ trợ cho mỗi nạn nhân 01 triệu đồng. Cùng với đó, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng đã phối hợp với Bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn và Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 300 phụ nữ và 100 em học sinh thuộc diện hộ nghèo, nạn nhân bom mìn tại xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy).

 Trần Huyền