Xã hội
Người thương binh gắn mình với cây mía và cây cam Cao Phong
10:01 PM 03/05/2017
(LĐXH) - Chiến tranh đã lùi xa theo năm tháng, nhưng những dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức của những người lính năm xưa, mà còn hằn in trên thân thể họ. Vượt qua khó khăn, tật bệnh, trở về cuộc sống đời thường, những người thương binh ấy vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình. Thương binh Bùi Quyết Tiến, ở xóm Trẹo Ngoài 1, xã Nam Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình là một điển hình như thế.
Thương binh Bùi Quyết Tiến bên những vạt mía của gia đình

Đi cùng tôi trong chuyến công tác viết về tấm gương các thương binh tiêu biểu trên mảnh đất Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, anh Nguyễn Thành Nam, cán bộ Phòng Lao động - TBXH huyện Cao Phong cho biết: Huyện Cao Phong vốn nổi tiếng với cây cam và cây mía được nhiều người biết đến. Cũng chính từ hai loại cây trồng cho giá trị kinh tế này mà có những người thương binh đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên của quê hương gắn bó với loại cây trồng này và họ vươn lên làm kinh tế giỏi cho gia đình. Ấn tượng với chúng tôi khi tới thăm gia đình thương binh Bùi Quyết Tiến là ngôi nhà 3 tầng to nhất xóm và từng vạt mía đang đến mùa thu hoạch.

Tháng 6/1977, chàng thanh niên Bùi Quyết Tiến lên đường nhập ngũ thuộc đơn vị Sư Đoàn 388, thực hiện huấn luyện ở Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Sau đó, anh được chuyển sang Tổng đội 640 ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Trong một lần được đơn vị cử đi làm nhiệm vụ, anh bị thương ở chân. Năm 1979, anh phục viên về địa phương với tỷ lệ thương tật 4/4. Anh Bùi Quyết Tiến bộc bạch: “Tôi là một trong những người lính may mắn trở về khi đất nước thống nhất. Phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ, “thương binh tàn nhưng không phế”, tôi nghĩ mình có trách nhiệm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội”.

Hiện nay, gia đình ông có khoảng 3 ha đất trồng mía
Trở về địa phương, kinh tế gia đình khó khăn, nhà đông anh em nhưng với bản chất của người lính không cam chịu nghèo, người thương binh ấy tích cực tìm đến các mô hình kinh tế để học tập kinh nghiệm sản xuất. Ông cùng gia đình trồng mía trên diện tích đất đồi khai hoang và sau mỗi năm diện tích đất khai hoang tiếp tục tăng lên. Đến nay, gia đình  ông  đã trồng được 3 ha mía (15 vạn cây). Sau khi trừ chi phí mỗi năm cây mía cho thu nhập từ 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong mấy năm gần đây, nắm bắt được giá trị kinh tế của cây cam, ông đã phá bớt diện tích đất trồng mía để chuyển sang trông cây cam Cao Phong. Hiện nay, gia đình ông có 400 gốc cam, năm 2016 cây bói quả cho lứa thu hoạch đầu tiên với thu nhập 200 triệu đồng.
Ông Bùi Quyết Tiến tâm sự: “Đầu ra mấy năm nay của cây mía khó khăn, cộng thêm thời tiết không thuận lợi, mưa bão gây đổ mía, thậm chi còn hỏng thối dẫn đến khó bán. Đối với cây cam thì khi mới trồng, tôi cũng phải đi học hỏi kỹ thuật từ anh em bạn bè. Thường gia đình tôi bán khoán theo mảnh vườn cho chủ buôn, giá bán bình quân từ 5.000- 6.000 đồng/cây mía, đợt cao điểm có giá bán từ 8.000 - 9.000 đồng/cây mía. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, tôi mong ngân hàng cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất, còn về đầu ra của cây mía và cây cam đã có tư thương mua cho”.
Với những kết quả đạt được, ông Tiến đã trở thành tấm gương sáng về làm kinh tế
Hiện nay, ông đang ở với người có trai cả nối nghiệp cha trồng mía và cam trên mảnh đất quê hương. Ông cũng đã xây dựng được cho gia đình căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Với những cố gắng của mình, ông được người dân trong xã Nam Phong biết đến là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi. Không những thế, ông còn luôn quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó ở trong xóm, trong xã. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan các vạt mía và cây cam của gia đình, ông Tiến vừa kể lại quãng thời gian lập nghiệp đầy gian nan, vất vả của mình. Trong cuộc sống, ông luôn gương mẫu cùng gia đình động viên bà con lối xóm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực ủng hộ các quỹ ở địa phương. Gia đình ông Tiến cũng là 1 trong nhưng gia đình chính sách của xã Nam Phong. Bố vợ ông là liệt sĩ, hiện ông đang ở cùng với mẹ vợ.
Có thể thấy, với sự cố gắng nỗ lực hết mình trong cuộc sống thường ngày cũng như trong phát triển kinh tế, gia đình ông đã hai lần được Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH tặng Bằng khen vì đã thực hiện tốt công tác thương binh liệt sĩ - người có công trong thời kỳ đổi mới; đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, vượt khó vươn lên làm giàu. Đặc biệt, cá nhân ông được Chủ tịch UBND huyện Cao Phong tặng Giấy khen đạt danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu” tiêu biểu giai đoạn 2007- 2012; UBND huyện Cao Phong tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trong 2 giai đoạn liên tục 2006- 2010, 2010- 2014; UBND tỉnh Hòa Bình tặng Bằng khen đã có thành tích xuất săc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011- 2015, gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2007-2012.
Hồng Phượng