Kinh tế
MTA Hanoi 2018: Cơ hội giao thương của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo
09:25 PM 28/09/2018
(LĐXH) Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi 2018) sẽ chính thức diễn ra vào ngày 16 – 18/10 tới, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE) với sự tham gia của 165 doanh nghiệp.
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Triển lãm MTA Hanoi 2018 tổ chức ngày 28/9/2018 tại Hà Nội. 
Ban tổ chức cho biết, với quy mô khoảng 4.300 m2, đã có 165 nhà triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự, trong đó có tới 75% là doanh nghiệp nước ngoài đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Anh...
 Triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng như phát triển lĩnh vực cơ khí, kết nối các doanh nghiệp với chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
Tổng Giám đốc Công ty UBM Việt Nam BT Tee cho biết, MTA Hanoi 2018 sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và đơn vị sản xuất đầu ngành tham gia trưng bày hàng loạt các sản phẩm công nghệ hiện đại và thiết bị máy móc thông minh, đến từ rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Cybertech, Nikon, Beijing Jingdiao, Carl Zeiss, Mitutoyo, Vạn Sự Lợi…
Họp báo về Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về máy công cụ, cơ khí chính xác
và gia công kim loại (MTA Hanoi 2018)
.MTA 2018 được tổ chức tại Hà Nội, bởi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp cơ khí đã được xác định là một trong những ngành sản xuất nền tảng của nền kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, mở ra các cơ hội, quan hệ đối tác với thế giới, nền kinh tế Việt Nam có thêm những cơ hội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, trong đó sản xuất công nghiệp nói chung dự báo sẽ đạt mức 20% năm 2018.
Theo dự báo, đến năm 2020, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ có tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 35% sản lượng sản phẩm, năm 2035 đạt 45%. Chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam đã và đang tập trung phát triển các phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện… đáp ứng cơ bản các nhu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, áp lực cạnh tranh cũng tạo hiệu ứng với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần phải đổi mới, hiện đại hóa công nghệ để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh. Tất cả những yếu tố nêu trên sẽ kéo theo nhu cầu về máy móc, công nghệ mới gia tăng, đó cũng là lý do MTA Hanoi 2018 tiếp tục được tổ chức ở Hà Nội.
Ngoài trưng bày, giới thiệu máy móc, công nghệ cơ khí hiện đại, MTA Hanoi 2018 còn được đánh giá là một diễn đàn hữu ích về khoa học và công nghệ, quy tụ các chuyên gia danh tiếng, đầu ngành về cơ khí chính xác tham gia thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cập nhật thông tin về xu thế phát triển lĩnh vực cơ khí và thị trường, trong đó đáng chú ý là các điễn đàn khoa học về: “Mô hình kinh tế tích hợp hàng hóa - dịch vụ nâng cao giá trị và tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng”, sẽ diễn ra song hành trong khuôn khổ sự kiện, với các nội dung đề cập chuyên sâu về mô hình kinh tế ứng dụng thương mại trong ngành cơ khí; Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam; Hội thảo chia sẻ về Blockchain và hệ thống an ninh thông tin.
Sự kết hợp giữa kết nối giao thương, giới thiệu và quảng bá công nghệ cùng với chia sẻ, cập nhật thông tin, kiến thức chuyên ngành tại MTA Hanoi 2018 được đánh giá là một sự kiện hữu ích, tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung và doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nắm bắt, tận dụng để cập nhật kiến thức, công nghệ, thiết lập các mối quan hệ đối tác, tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cơ khí toàn cầu./.
Thảo Lan