Xã hội
Huyện A Lưới: Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ
12:33 PM 27/05/2017
(LĐXH) – A Lưới là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, là căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Trải qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng bào các dân tộc A Lưới đã có nhiều tấm gương tiêu biểu như: Anh hùng liệt sỹ A Vầu, xã Hồng Kim; Anh hùng liệt sỹ Cu Lối, xã Hồng Nam; Anh hùng Cu Trip, Anh hùng Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đơm, Bùi Hồ Dục, Hồ A Nun và nhiều tấm gương tiêu biểu khác…
Xác định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đối với các anh hùng, liệt sĩ và những người đã hy sinh tính mạng, xương máu, sức lực, trí tuệ và tài sản cho đất nước… Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện A Lưới luôn quan tâm sâu sắc công tác đền ơn, đáp nghĩa, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ. Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" trên địa bàn ngày càng phát triển sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân.
Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho người có công trên địa bàn huyện A Lưới
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 577 liệt sỹ, trên 1.000 thương binh, gần 10 nghìn người có công và 5.000 hộ gia đình tham gia cách mạng với tổng kinh phí chi trả trợ cấp mỗi năm trên 94 tỷ đồng. Trong đó, chi trả trợ cấp tháng cho người có công là trên 89,1 tỷ đồng; chi trả học sinh - sinh viên trên 1,4 tỷ đồng; trợ cấp 1 lần và mai táng phí trên 1 tỷ đồng; chi trả quà nhân dịp tết và 27/7 với kinh phí trên 2,56 tỷ đồng.
Trong năm 2016, A Lưới đã tổ chức tiếp nhận và thụ lý 157 hồ sơ các loại bao gồm: 03 chất độc hóa học; 62 hồ sơ mai táng phí và trợ cấp 1 lần; 52 thờ cúng liệt sĩ; 12 hồ sơ Ưu đãi học sinh - sinh viên; 25 tuất thương bệnh binh; 03 tù đày. Tổ chức cấp trên 3.100 thẻ BHYT cho người có công; tổ chức đưa đón 243 đối tượng Người có công với cách mạng đi điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế; phối hợp với Cục người có công và Sở Lao động - TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế lấy mẫu sinh phẩm của 38 ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện để giám định ADN; Tiếp nhận 02 mộ liệt sĩ do Ban Chỉ huy quân sự huyện chuyển từ Hồng Vân và Đội 192 quy tập từ Hồng Kim giáp ranh huyện Phong Điền về nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới…
Bên cạnh đó, huyện cũng đã tổng hợp và nghiệm thu 2051 phiếu điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ trong nghĩa trang liêt sĩ nộp sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người có công với cách mạng và Chi trả chế độ cho người có công tại các xã, thị trấn.
Giải quyết đơn thư khiếu nại nhiều trường hợp Nguyễn Hải Sơn Hồng Quảng Kăn Nghếch Nhâm, Dỗ Duy Mạnh A Roàng…., phục hồi truy lĩnh chế độ có công cho bà Cả Kế xã Hồng Kim; Phối hợp Ban tuyên giáo huyện, xây dựng hồ sơ tiểu sử BMVNAH để in ấn tập san 3 Bà mẹ VNAH tỉnh Thừa Thiên Huế; làm việc với Bộ Chỉ huy quốc phòng tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy tập hài cốt liệt sĩ tại xã Hồng Hạ…
Đại diện lãnh đạo huyện A Lưới  tặng quà cho gia các đình chính sách
Ngoài việc thực hiện tốt các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, thời gian qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện A Lưới đã được xã hội hóa một cách sâu rộng. Năm 2016, huyện cũng đã huy động được gần 246 triệu để hỗ trợ xây, sửa nhà cho các gia đình người có công gặp hoàn cảnh khó khăn; đồng thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình chính sách nhân các dịp lễ, tết…
Thực hiện Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổ chức các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), UBND huyện A Lưới đã ban hành Kế hoạch số 53/UBND-KH về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.  Theo đó, huyện sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể như: Tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ và biểu dương, khen thưởng người có công tiêu biểu, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa; Tổ chức thăm, tặng quà Chủ tịch nước, tỉnh; Riêng của Huyện 30 suất quà (300 nghìn đồng/suất) tặng các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; Xây dựng, tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà người có công bị hư hỏng, xuống cấp (tu sửa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ huyện; Xây mới 05 nhà ở cho người có công, trị giá mỗi nhà 40 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Hỗ trợ 30 triệu đồng cho xóm II, thôn Quảng Vinh, xã Sơn Thủy để xây dựng Gian thờ cho các liệt sĩ thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn hợp pháp khác; Tu sửa, nâng cấp 19 nhà bia ghi danh liệt sỹ của các xã, thị trấn); Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu với các gương người có công với cách mạng tiêu biểu ; Tổ chức khánh thành nhà tình nghĩa do Thiếu tướng Trần Việt Khoa - Giám đốc Học viện Quốc phòng trao tặng...
Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, UBND đã huyện yêu cầu các ban, ngành đoàn thể, các phòng ban chuyên môn, UBND các xã/ thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng ngành, từng địa phương trong công tác tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh – liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) một cách có hiệu quả và thiết thực nhất.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng HĐND-UBND có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện đúng theo nội dung kế hoạch đã ban hành, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND huyện và  Sở Lao động - TB&XH trước ngày 31/8/2017./.
                                                                                                                                      Hà Giang