Xã hội
Những thiệt thòi của người dân khu xây dựng Dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng
08:24 PM 25/08/2016
(LĐXH) Theo tiến độ, việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup để xây dựng dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng tại Phường Thượng Lý, Quận Hồng Bàng đã chậm nhiều tháng, song trên khu vực xây dựng dự án vẫn còn khoảng 350 hộ dân chưa chịu di dời do chưa được đền bù thỏa đáng, những quyền lợi kinh tế hợp pháp, chính đáng của họ bị vi phạm nghiêm trọng.
Khung cảnh khu vực đang giải phóng mặt bằng Dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng.
Càng gần đến ngày 30/8/2016 gia đình bà Nguyễn Thị Thêm tại 246 đường Bạch Đằng và con trai bà là anh Bùi Việt Sơn tại 248 đường Bạch Đằng càng hoang mang, lo lắng, tâm trạng bất an bởi đó là thời điểm theo Quyết định cưỡng chế của UBND Quận Hồng Bàng cả hai gia đình buộc phải di dời để bàn giao đất xây dựng Dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng. Nhà bà Thêm có diện tích 86,3m2, nhà anh Sơn là 88,8m2, cửa hàng kinh doanh tạp hóa của bà Thêm đang là nguồn thu nhập chính nuôi sống 6 người trong gia đình bà gồm 2 ông bà, con gái bà và 3 cháu ngoại. Anh Bùi Việt Sơn là nhân viên một doanh nghiệp Nhà nước, thu nhập chỉ vài triệu đồng một tháng, vợ anh chưa có việc làm, vợ chồng anh Sơn và hai con phải dọn lên gác xép ở để lấy chỗ cho thuê kinh doanh phụ tùng ô tô, mỗi tháng kiếm thêm 5 triệu đồng trang trải cuộc sống, nuôi hai con đang học tiểu học. Cuộc sống của hai gia đình đang yên ổn  thì chính quyền địa phương có quyết định thu hồi đất để xây dựng dự án, nhưng số tiền đền bù cho mảnh đất nằm trên mặt đường Bạch Đằng, ngay gần ngã 3, một địa điểm rất thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán là 21 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường. Bà Thêm còn được 45 triệu đồng tiền hỗ trợ việc phải dừng hoạt động kinh doanh, còn nhà anh Sơn mặc dù đang cho thuê để kinh doanh song do anh không đứng tên trên giấy phép kinh doanh nên không được khoản tiền đền bù này. Cả anh Sơn và bà Thêm đều cho rằng giá đền bù như vậy là rất bất hợp lý, không thỏa đáng, gây thiệt thòi lớn cho người dân.

Ngôi nhà của anh Trần Hồng Quân ở 4B/4 đường Cầu Bính chỉ được đền bù 58 triệu đồng,
không được cấp đất tái định cư.

Bởi khu vực Phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng tập trung hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo nên việc di dời, giải phóng mặt bằng với mức đền bù “bèo bọt” sẽ đưa hàng trăm hộ dân có nguy cơ lâm vào cảnh khốn cùng như Gia đình ông Trần Hồng Quân trú tại 4B/4 đường Cầu Bính đang sống trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng trên diện tích 28m2, do Nhà máy xi măng Hải Phòng cấp nhưng chỉ được đền bù vẻn vẹn 58 triệu đồng, đặc biệt là không được nhận đất tái định cư. Gia đình ông Vũ Văn Kỳ, thương binh hạng ¾ trú tại 48/228 đường Bạch Đằng có diện tích 28,2m2 nhưng không được đền bù tiền đất, ngôi nhà 2 tầng của ông cùng nội thất nhận được tổng số tiền đền bù 201 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Lan tại 39/4 đường Cầu Bính là nhà 2 tầng xây dựng trên diện tích 26,1 m2, có giấy tờ do Xí nghiệp xây lắp H34 (Tổng công ty Hóa chất Việt Nam) cấp chỉ được đền bù tổng số 383 triệu đồng. Nhà ông Vũ Văn Hải, thương binh hạng 2/4 (bản thân ông và con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại chiến trường Quảng Trị) có tổng diện tích đất 283m3, trong đó 80 m2 do xí nghiệp cấp và đã nhiều năm nay đã đóng thuế đầy đủ cho diện tích 283 m2 đó. Trên mảnh đất của gia đình ông có 4 ngôi nhà cấp 4, một ngôi nhà gỗ lim, là nơi sinh sống của 14 nhân khẩu chỉ nhận được tổng số tiền đền bù  là hơn 1 tỷ đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Mai ở 20 đường Cầu Bính có tổng diện tích hơn 50m2, có giấy tờ do Nhà máy Xi măng Hải Phòng cấp, trên đó xây dựng một ngôi nhà 2,5 tầng, một nhà 1 tầng mái bằng kiên cố chỉ được đền bù cho diện tích 38m2 với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Còn mảnh đất 50m2 mà gia đình bà bỏ nhiều công san lấp, trồng rau cách đó không xa thì không được đền bù. Bà Mai cho biết: "Ngôi nhà của tôi là nơi sinh hoạt của 4 mẹ con, bà cháu, với việc mở dịch vụ ăn uống, ngôi nhà này cũng tạo nguồn thu 300 - 500 nghìn đồng/ngày để trang trải sinh hoạt của cả nhà. Nếu phải chuyển đi nơi khác không biết chúng tôi sẽ làm gì để sống!"


Bà Nguyễn Thị Lan lo lắng không biết phải xoay xở thế nào để ổn định cuộc sống
với số tiền đền bù ít ỏi.
Hàng nghìn người dân trong các gia đình thuộc diện phải giải tỏa chưa có việc làm, là lao động tự do, thu nhập thấp, bấp bênh hoặc là công nhân, giáo viên, cán bộ nghỉ hưu, cuộc sống hàng ngày gặp nhiều khó khăn, không có tiền tích lũy. Chính vì vậy, số tiền đền bù ít ỏi là vài chục triệu đồng như gia đình ông Quân; 200 - 300 triệu đồng như gia đình ông Kỳ, bà Lan, hoặc nhiều hơn là trên dưới 1 tỷ đồng như gia đình bà Mai, ông Hải... chỉ khiến cho cuộc sống của họ bị đảo lộn, đã khó khăn lại càng túng quẫn hơn bởi biết bao nhiêu khoản phải chi tiêu cho một ngôi nhà mới, một nơi ở mới như đóng tiền đất, tiền xây nhà, tiền thuê nhà ở trong thời gian xây nhà. Chưa kể do nền đất khu tái định cư rất yếu, khi thi công phải đóng cọc bê tông tốn kém hàng trăm triệu đồng, khu tái định cư chưa có điện, nước sinh hoạt nên phải khoan giếng, mua nước sạch để dùng, thuê máy phát... Mặt khác, dọc bên đường Bạch Đằng, đường Cầu Bính, trong khu vực giải tỏa để xây dựng dự án, gần 200 hộ dân ở mặt đường đang mở cửa hàng, buôn bán kinh doanh ổn định. Việc phải di dời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc mưu sinh của họ, do vậy rất cần đến sự quan tâm, đền bù thỏa đáng của chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cho biết đây là khu đất để thu hồi để xây khu đô thị, không phải đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nhiệm vụ khẩn cấp, bởi vậy giá đền bù phải thỏa thuận với người dân theo giá thực tế trên thị trường đối với đất có cùng mục đích sử dụng tại cùng thời điểm. Họ sẽ kiên trì đấu tranh để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình!

Ngôi nhà 2 tầng của bà Nguyễn Thị Lan chỉ được đền bù 383 triệu đồng.

Thể hiện "quyết tâm" thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bất chấp sự không đồng thuận của hàng trăm hộ dân, trong hơn một tuần qua chính quyền địa phương đã ngăn cấm người dân ngoài mặt đường tiến hành các hoạt động kinh doanh buôn bán. Đèn đường nằm trong khu vực xây dựng Dự án cũng bị cắt, cả khu phố chìm trong bóng tối  dẫn đến việc đi lại của người dân rất mất an toàn khi màn đêm buông xuống, nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông đã xảy ra làm thiệt hại về người và phương tiện của người đi đường.

Ngôi nhà 2 tầng trên diện tích 28,2m2 của thương binh Vũ Văn Kỳ
chỉ được đền bù 201 triệu đồng. 

Quá bức xúc, xót xa cho tài sản của cả gia đình mình đã gây dựng bằng bao mồ hôi công sức trong hàng chục năm trời, hoang mang trước tương lai bất ổn phía trước khi buộc phải ra khỏi nhà, đi nơi khác sinh sống với số tiền đền bù không thỏa đáng, phi thực tế, gần 400 hộ dân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương. Ngày 23/8 vừa qua, hàng trăm người dân phường Thượng Lý đã kéo lên UBND thành phố Hải Phòng khiếu nại nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền thành phố.

Bà Vũ Thị Khánh với tâm trạng bất an khi mảnh đất 283m2 cùng 5 ngôi nhà của
bà và chồng là thương binh 2/4 Vũ Văn Hải chỉ được đền bù hơn 1 tỷ đồng.
Hàng trăm hộ gia đình khu vực xây dựng Dự án Vinhomes Riverside Hải Phòng đang ngày đêm mong mỏi được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sớm giải quyết dứt điểm, thỏa đáng nguyện vọng chính đáng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ để bà con sớm ổn định tâm lý, tránh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, vượt cấp, tạo ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. 

Bà Nguyễn Thị Thêm lo lắng đến việc mưu sinh của gia đình 6 người của bà
sau khi buộc phải di dời khỏi căn nhà 246 đường Bạch Đằng đang kinh doanh hàng tạp hóa.


Cửa hàng đang cho thuê kinh doanh phụ tùng ô tô của anh Bùi Việt Sơn
ở 248 đường Bạch Đằng không được hỗ trợ tiền hoạt động kinh doanh.
Thảo Lan