Chuyện một nhân viên công tác xã hội tâm huyết, trách nhiệm vùng Đất Mỏ
02:43 PM 27/10/2020
Bài 1: Nhiệt huyết, tận tâm với công việc

(LĐXH) Tròn 10 năm trở thành nhân viên công tác xã hội (CTXH) tại Trung tâm CTXH Quảng Ninh, Thạc sỹ Nguyễn Xuân Huy đã dự thảo và tham mưu xây dựng nhiều văn bản, qui trình nghiệp vụ can thiệp, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế và trực tiếp tham gia tư vấn, trợ giúp hàng trăm trường hợp. Những việc làm đầy trách nhiệm, tâm huyết của anh đã giúp cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí gặp bế tắc, bất hạnh trong cuộc sống có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, có tương lai tốt đẹp hơn.
Xây dựng các qui trình nghiệp vụ công tác xã hội
Anh Nguyễn Xuân Huy sinh năm 1986 quê ở Hải Dương - vùng đất của đặc sản bánh đậu xanh nổi tiếng. Hơn chục năm trước đây, nghề CTXH còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Với bản tính thích tìm hiểu những điều mới lạ của tuổi trẻ, anh trở thành một trong những lứa sinh viên đầu tiên được đào tạo bậc đại học về nghề CTXH tại Trường Đại học Công đoàn – cũng là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo hệ cử nhân về nghề CTXH của cả nước. Năm 2010, tốt nghiệp đại học, anh nộp đơn xin vào làm việc tại Trung tâm CTXH trẻ em tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh sớm thành lập Trung tâm CTXH trước khi Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 chính thức được ban hành.
Anh Nguyễn Xuân Huy, Trưởng Phòng Can thiệp - Hỗ trợ, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh
tư vấn cho đối tượng yếu thế qua Tổng đài miễn phí 19001769
Tại thời điểm đó, là người duy nhất của Trung tâm CTXH Quảng Ninh  được đào tạo bài bản về chuyên ngành CTXH nên anh Huy được lãnh đạo Trung tâm tín nhiệm phân công nhiều việc và đối với bất cứ công việc gì anh cũng luôn cố gắng hết sức mình, chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, từ một nhân viên hợp đồng, anh đã được tuyển dụng, chính thức trở thành viên chức của Trung tâm CTXH Quảng Ninh và chỉ sau hơn 2 năm công tác anh đã được lãnh đạo Trung tâm tín nhiệm bổ nhiệm là Phó Trưởng Phòng, rồi Trưởng phòng Can thiệp - Hỗ trợ vào năm 2015. 
Ban đầu còn bỡ ngỡ trong công việc do chưa có kinh nghiệm công tác, trong khi đó giữa lý thuyết được đào tạo ở trường đại học và thực tiễn công việc còn nhiều khoảng cách, nhưng với bản tính cần cù, ham học hỏi, tận tâm, trách nhiệm với công việc, anh Huy đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, học hỏi từ những thế hệ đi trước để tham mưu, xây dựng thành công nhiều qui trình nghiệp vụ quản lý trường hợp, tư vấn, sàng lọc, can thiệp, trị liệu đối với các đối tượng yếu thế, trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, người trầm cảm...; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn ... Những văn bản, qui trình nghiệp vụ do anh trực tiếp tham mưu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không chỉ đang được áp dụng tại Trung tâm CTXH và hệ thống văn phòng CTXH các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mà còn được các tỉnh, thành khác trên cả nước áp dụng và được các nhân viên CTXH đánh giá cao vì dễ thực hiện và đảm bảo được yêu cầu nghiệp vụ.
Anh Nguyễn Xuân Huy trong buổi hội chẩn biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình
tại Ngôi nhà Ánh Dương
Từ năm 2011 anh Huy đã cùng các đồng nghiệp trực tiếp đến Trường Giáo dưỡng số 2 - Ninh Bình để thu thập thông tin về trẻ em có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh đang rèn luyện, tu dưỡng tại đây, nắm bắt thông tin về thời gian ra trường, nơi trở về của các em sau khi kết thúc quá trình rèn luyện, học tập và tổ chức tư vấn, trợ giúp cho gia đình để sẵn sàng tạo cho các em một nơi trở về an toàn, phù hợp. Từ đó, anh đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật trong và sau khi giáo dưỡng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sáng kiến này của anh đã được Giám đốc Sở  Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh công nhận năm 2012 và đang áp dụng có hiệu quả ở cơ sở.
Trợ giúp các đối tượng yếu thế
Được đào tạo bài bản về chuyên ngành CTXH, vững về chuyên môn, nghiệp vụ và nhiệt tình với công việc nên anh Nguyễn Xuân Huy thường được lãnh đạo Trung tâm CTXH Quảng Ninh tín nhiệm giao nhiệm vụ là đầu mối của đơn vị chủ trì việc phối hợp, kết nối với các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan trong công tác quản lý trường hợp, thu thập thông tin về các đối tượng yếu thế để từ đó thực hiện tư vấn ban đầu, hội chẩn và hỗ trợ giải quyết vấn đề khó khăn mà các đối tượng đang gặp phải; Đảm bảo duy trì hoạt động tư vấn qua Tổng đài 18001769 thường xuyên, liên tục 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần và tư vấn tại cộng đồng cho các đối tượng có nhu cầu xã hội cần trợ giúp. Kết quả, đến nay anh Huy cùng các đồng nghiệp đã trợ giúp cho trên 2.000 đối tượng yếu thế trên địa bàn toàn tỉnh. Cá nhân anh đã trực tiếp tư vấn, can thiệp, hỗ trợ cho trên 500 trường hợp. Các trường hợp đã kết thúc qui trình can thiệp, hỗ trợ chiếm khoảng 70%.  
Anh Nguyễn Xuân Huy cùng đồng nghiệp tư vấn, trợ giúp trẻ em bị bạo lực gia đình
Đối với hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp và chăm nuôi tạm thời, anh đã cùng với các đồng nghiệp tiếp nhận 29 trường hợp bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, lang thang tại cộng đồng; Tiếp nhận, tư vấn, kết nối, chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại Nhà tạm lánh của Trung tâm đối với 23 nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực và ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, kịp thời bảo vệ quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của các đối tượng.
 Với mong muốn cải thiện tình trạng của những trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các gia đình, anh Huy đã dành nhiều tâm huyết, thời gian cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động của Mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em thuộc đối tượng này. Anh đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị thực hiện công tác đào tạo nhân lực, trang bị cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch hoạt động và tổ chức triển khai thực hiện công tác đánh giá, sàng lọc, trị liệu tâm lý cho trẻ tại Trung tâm một cách thuận lợi và có hiệu quả. Nhận thấy những trẻ ở xa Trung tâm CTXH khó có thể đến Trung tâm để trị liệu thường xuyên, từ năm 2017 đến nay, anh đã đề xuất và tổ chức cho nhân viên CTXH đến tận gia đình trẻ thực hiện các hoạt động sàng lọc, đánh giá, trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí. Bản thân anh là đầu mối của đơn vị để phối hợp với các trường mầm non, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành sàng lọc, đánh giá và can thiệp trị liệu cho trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tại gia đình, cộng đồng. Đến nay, anh và các đồng nghiệp đã tổ chức sàng lọc, đánh giá rối nhiễu tâm trí và sự phát triển đối với 200 trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tiến hành xây dựng kế hoạch và tổ chức trị liệu tâm lý thường xuyên tại gia đình cho 100 trẻ em thuộc đối tượng này.
Vận động tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Đứng trước yêu cầu tinh giản bộ máy biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhu cầu của cộng đồng và sự chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm, anh Huy đã tham mưu xây dựng và triển khai Đề án “Thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, có thu phí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh” giai đoạn 2019-2021. Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt và bước đầu triển khai hiệu quả, được cộng đồng đánh giá cao. Do được phát hiện, can thiệp, trị liệu sớm nên tình trạng của nhiều trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí đã được cải thiện đáng kể, các em có thể chủ động hơn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và từng bước hòa nhập cộng đồng.
Cùng với đó, anh Huy đã cùng các đồng nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến việc thành lập Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ nhằm giúp các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và những người quan tâm đến công tác hỗ trợ trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cùng chung tay hỗ trợ một cách tốt nhất cho những trẻ em không may gặp phải hội chứng rối nhiễu tâm trí có thêm cơ hội được can thiệp, trị liệu ngay trên địa bàn tỉnh, đồng thời giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức cho các bậc phụ huynh có con thuộc đối tượng này.
 Nhận xét về anh Nguyễn Xuân Huy, anh Đỗ Anh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH Quảng Ninh cho biết: “Anh Huy là một cán bộ có năng lực, luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và hết mình với các công việc được giao với tinh thần trách nhiệm cao. Là nam giới duy nhất trong số các nhân viên Phòng Can thiệp - Hỗ trợ, anh luôn sẵn lòng có mặt để can thiệp, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp vào bất kể thời gian nào, kể cả đêm khuya hay ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Với vị trí là Trưởng Phòng Can thiệp - Hỗ trợ, anh Huy đã có nhiều đóng góp vào kết quả công tác và quá trình xây dựng, phát triển của Trung tâm CTXH Quảng Ninh, góp phần đưa Trung tâm trở thành một điểm sáng trong triển khai Đề án 32 về phát triển nghề CTXH trên cả nước”.
(Còn nữa)
Thảo Lan