Xã hội
Chính sách an sinh xã hội cần phải được triển khai đồng bộ
02:06 PM 11/06/2022
(LĐXH) - Sáng 10/6/2022, Báo Tiền Phong tổ chức hội thảo "Tương lai nào cho người lao động nhìn từ góc độ tài chính và an sinh xã hội", nhằm tìm ra những giải pháp đảm bảo tài chính, an sinh xã hội đảm bảo cho người lao động (NLĐ) trong tương lai, nhất là khi hết tuổi lao động.

Toàn cảnh buổi hội thảo tại điểm cầu TP.HCM

Hội thảo được tổ chức tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP HCM và có sự hiện hiện của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành cùng các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp liên quan tại địa phương trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương,…. Hà Nội,…

Tiền lương song hành cùng kinh tế vĩ mô

Phát biểu tại hội thảo, TS.Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, công nhân, NLĐ đã xác định bản thân phải nỗ lực sản xuất kinh doanh hiệu quả để góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước.  

TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, để NLĐ yên tâm làm việc là tiền lương và kinh tế vĩ mô.

TS.Vũ Minh Tiến cho rằng, để NLĐ yên tâm làm việc là tiền lương và kinh tế vĩ mô. Phải làm thế nào để công nhân nâng cao được chất lượng cuộc sống của mình và gia đình. Xưa nay, các cấp công đoàn đã xác định phải làm tốt hơn để đảm bảo quyền lợi về cả vật chất và tinh thần của NLĐ để góp phần xây dựng doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế đất nước.

Tham gia ý kiến, ông Kiều Minh Sinh, Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho rằng, NLĐ đang so sáng về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là vấn đề tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu. Theo ông Minh sinh, sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tiền lương thu nhập và chính sách tiền lương đang tăng dần để đảm bảo đời sống NLĐ. Tuy nhiên, đời sống NLĐ, công nhân cũng còn nhiều khó khăn. NLĐ ngoại tỉnh muốn mua được nhà ở Bình Dương, Đồng Nai hay TPH.CM là “cả một vấn đề”.

Để hỗ trợ NLĐ, theo ông Sinh các chính sách an sinh xã hội đã có của nhà nước cần phải được triển khai đồng bộ cho NLĐ. Mặt khác, các chính sách về thiết chế cho NLĐ cũng cần được duy trì và ổn định để NLĐ đảm bảo đời sống và gắn kết lâu dài với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, khuyến khích NLĐ cần được chỉnh sửa đồng bộ, hạn chế sự dịch chuyển lao động. “Tới đây, nếu nhà nước có sửa đổi Luật BHXH, cần tuyên truyền, định hướng để người dân, NLĐ hiểu được thật cụ thể, rõ ràng. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa các nhóm ngành nghề để người lao động hiểu hơn về các chính sách an sinh xã hội” - ông Minh Sinh kiến nghị.

TS. Nguyễn Hồng Tây, Phó trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TBXH tại TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tây, Phó trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TBXH tại TP. HCM cho biết, thực trạng một bộ phận NLĐ khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã lựa chọn hưởng BHXH một lần, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho NLĐ và sự ổn định, phát triển lâu dài của thị trường lao động.

Ngày 12/4/2022, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ký Chương trình phối hợp về hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Một trong những nội dung chính là phối hợp tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần.

Ông Tây cho biết thêm, để chia sẻ những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội chung, ngày 18/4/2022, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có báo cáo số 04/BC-HĐTLQG khuyến nghị với Chính phủ về phương án tăng mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2022, bình quân 6% so với mức lương tối thiểu vùng hiện hành. Hiện Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, dự kiến áp dụng thực hiện trong 18 tháng, từ 1/7 đến tháng 12/2023.

Cốt lõi vấn đề là phải giải quyết tạo việc làm ổn định

Đăng đàn tại hội thảo này, ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Dony cho rằng, câu chuyện lo lắng về đời sống, về việc làm của NLĐ là nỗi lo muôn thuở. Trong giai đoạn hiện nay nỗi lo chính của NLĐ không chỉ là lương cao hay lương thấp, mà còn là lo công việc không ổn định sau giai đoạn đại dịch.

"Chúng tôi luôn mong muốn công việc, thu nhập của NLĐ luôn được ổn định. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra biến cố không đảm bảo được về tài chính, không có được công ăn việc làm thì có được chính sách hỗ trợ họ ngay để ổn định cuộc sống. BHXH giải quyết tốt ngay lúc này là đảm bảo được mấy tháng lương bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ khi họ mất việc. Việc làm này đã được giải quyết cực kỳ nhanh" - ông Phạm Quang Anh nói.

Lý giải cho việc tại sao NLĐ hay rút bảo hiểm một lần, ông Quang Anh cho rằng có liên quan đến việc NLĐ nghỉ việc ở doanh nghiệp và ra ngoài. Thực tế này gây ra sự đứt gãy tính liên tục trong đóng bảo hiểm và NLĐ nghĩ sẽ không bao giờ vào công ty nữa và họ quyết định rút ra để có đồng vốn làm ăn. Từ đó, ông Quang Anh kiến nghị, cơ quan BHXH cần tuyên truyền mạnh mẽ về câu chuyện đóng BHXH liên tục, thực hiện phương thức, thủ tục làm sao tinh giản để người lao động cảm thấy nhanh chóng và tiện ích.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, cần nghiên cứu toàn diện cuộc sống, đời sống người lao động

Tham gia ý kiến và đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để khắc phục tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần khi tham gia trao đổi tại hội thảo, ông Hồng Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, cho rằng các nhà soạn thảo luật liên quan đến BHXH hãy cùng các chuyên gia, nhà khoa học, xã hội học, các cơ quan ban ngành như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các hội nghề nghiệp… phân tích, nghiên cứu toàn diện cuộc sống, đời sống NLĐ nhiều tầng lớp, nhiều tỉnh thành, ngành nghề cả chính thức và phi chính thức. “Tôi nghĩ đây sẽ là một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về cuộc sống, đời sống CNLĐ có đóng và không đóng BHXH. Lao động lớn tuổi (có thể tính từ 40 với nữ, 45 với nam), kết quả này phục vụ nhiều mục đích, ở đây chúng ta tách kết quả ra để nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH cho phù hợp”, ông Hồng đề xuất.

Đồng thời, ông Hồng đã đặt ra nhiều vấn đề như: Các nhà soạn thảo Luật BHXH sửa đổi muốn giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu sớm hơn trước kia, giảm từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm thì đã nghe dư luận công nhân, NLĐ nghĩ gì chưa?.

Theo ông Hồng, nhiều trường trường  hợp NLĐ họ suy nghĩ rút 1 lần sớm hơn (trước 15 năm) rồi làm công nhân thời vụ (không đóng BHXH) 1 năm. Trong 1 năm đó NLĐ vừa có lương vừa nhận 1 năm trợ cấp thất nghiệp; khi nhận được 1 cục mới bắt đầu đi làm chính thức và đóng BHXH lại. Cơ quan soạn thảo cần nghĩ tới cách tính này, thực tế suy nghĩ này của NLĐ.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ Trưởng vụ BHXH – Bộ LĐ-TB&XH, cốt lỗi vấn đề là phải giải quyết tạo việc làm ổn định cho NLĐ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ Trưởng vụ BHXH – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, qua chia sẻ ý kiến của nhiều đại biểu để giải quyết câu chuyện rút BHXH một lần thì cần phải phối hợp, giải quyết được góc độ và phải xử lý nhiều chính sách, nhưng cốt lỗi vấn đề là phải giải quyết tạo việc làm ổn định cho NLĐ.

“Tại sao khu vực các doanh nghiệp nhà nước thì số người hưởng BHXH một lần lại ít như vậy, trong khi đó doanh nghiệp khu vực ngoài thì có nhiều người hưởng BHXH một lần và tập trung ở nhóm người sau một năm nghỉ dịch. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã tác động trực tiếp, khó khăn trước mắt liên quan đến thu nhập chung của NLĐ nói riêng và nhân dân nói chung”: ông Nguyễn Duy Cường nói.

Tiếp đó, ông Cường cho rằng những ý kiến của các đại biểu trong Hội thảo, tôi đã ghi nhận rất đầy đủ. Trong quá trình khi Quốc hội thông qua dự luật, tôi sẽ bắt tay vào việc đề xuất giải pháp và các chính sách cụ thể hơn và chắc chắn sẽ được lấy ý kiến rộng rãi như đề xuất mà các đại biểu đã đề cập, hướng đến mục tiêu là ổn định lâu dài cho người lao động./.

Trương Đăng