Kinh tế
200 doanh nghiệp cung cấp phản ứng khi hệ thống BigC đột ngột ngưng nhập hàng may mặc
11:45 PM 03/07/2019
(LĐXH) - Chiều 3/7/2019, tại TPHCM, hàng trăm nhà cung cấp ngành hàng may mặc cho hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đã đến Văn phòng Đại diện của Tập đoàn Central Group (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam), tại TPHCM để phản đối về thông báo ngưng đặt hàng đột ngột vào tối ngày 2/7/2019.

Nhiều lao động thuộc các công ty may mặc cung cấp hàng cho BigC  kéo đến Văn phòng đại diện của Central Group để phản ứng chính sách của Tập đoàn này.

Trước đó, đêm 2/7/2019, Central Group Việt Nam gửi thư thông báo với nội dung ngưng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên. Lý do để Big C không bán hàng may mặc Việt nữa được phía Central Việt Nam cho biết là vì chiến lược kinh doanh thay đổi theo sự chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan, chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam.

Lãnh đạo Central Group trao đổi với với các nhà cung cấp sau khi bị phản ứng từ chiều ngày 3/7/2019

Việc đơn vị điều hành hệ thống siêu thị Big C ra thông báo tạm dừng kinh doanh sản phẩm may mặc của Việt Nam khiến các nhà cung cấp trong nước rất bất ngờ. Nhiều người tỏ thái độ phản đối dữ dội. Các chủ doanh nghiệp dệt may Việt Nam và cả công nhân của họ đã tập trung tại Văn phòng đại diện Central Group tại đường Phan Đăng Lưu, TPHCM, nhằm làm rõ vụ việc. Nhiều người còn mang theo băng rôn phản đối việc Big C tạm dừng hợp đồng nhập hàng may mặc.


Đông đảo người lao động thuộc các đơn vị cung cấp hàng may mặc cho Siêu thị BigC kéo đến Văn phòng đại diện Central Group tại 163 Phan Đăng Lưu, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Trước sự phản đối của các nhà cung cấp, đại diện Central Group Việt Nam đã tiếp xúc, trao đổi với các nhà cung cấp chỉ nêu nguyên do quyết định dừng nhập hàng may mặc để tái cơ cấu mô hình kinh doanh, không đưa ra kết luận, giải thích rõ ràng cho các nhà cung cấp. Theo đại diện của các doanh nghiệp dệt may, các nhà cung cấp này đã hợp tác với Big C hơn 15 năm qua, các sản phẩm cung cấp đều được chuẩn bị nguyên phụ liệu, nguồn nhân công sản xuất trước ít nhất 6 tháng, đầu tư nhà xưởng… nhưng lại bị ngưng đặt hàng đã đẩy doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đứng trước nguy cơ phá sản, nhân công không có việc làm… Khi nhận được thông báo của Central Group Việt Nam, các nhà cung cấp đều rơi vào trạng thái “sốc”, không kịp trở tay, ước tính chi phí thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp từ 10 đến 15 tỷ đồng. Các nhà cung cấp bức xúc rằng, phía Central Group Việt Nam nếu muốn ngưng đặt hàng thì phải có lộ trình, thời gian phù hợp để doanh nghiệp chuyển đổi, ngưng nhập nguyên phụ liệu và bàn giao các sản phẩm cung ứng đang tồn kho và đang hoàn thiện, tìm kiếm đầu ra mới, bố trí nguồn nhân lực hợp lý.

Đông đảo các cơ quan báo chí đến năm bắt tình hình  tại Văn phòng đại diện của Central Group  tại TPHCM

Theo một số chuyên gia, nếu tiền lệ này được thông qua, có thể hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu, sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập. Trước khi có sự kiện Central Group từ chối hàng Việt chính thức bằng văn bản kiểu này, thực tế hàng Việt trên kệ các siêu thị ngoại đã ngày càng ít đi với chính sách đòi hỏi mức chiết khấu cao, các nhà cung cấp không chịu nổi “nhiệt”, đành phải bỏ kênh siêu thị.

Được biết, Central Group Việt Nam có nguồn vốn đầu tư từ Thái Lan hiện sở hữu hệ thống 33 siêu thị Big C ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Hệ thống này được mua lại từ tập đoàn Casino của Pháp với giá 1,05 tỉ USD từ năm 2016 và sau chuyển nhượng vẫn hoạt động ổn định, có nguồn hàng hóa chủ yếu từ các nhà cung cấp là các doanh nghiệp Việt Nam.

  ĐỊNH QUỐC