Xã hội
12,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 trong quý II/2021
11:43 AM 14/07/2021
(LĐXH) – Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, có khoảng 12,8 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 trong quý II/2021. Cùng với đó, sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Lao động, người có công và việc làm vào sáng ngày 14/7/2021 vừa diễn ra tại Hà Nội
1,8 triệu lao động bị mất việc làm trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021, Thứ Trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Theo đó, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4% (quý I là 540.000 người); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn (có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, ở nông thôn là 14,3%).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý I. Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo kết quả thực hiện công tác của ngành
trong 6 tháng đầu năm 2021
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 14/5/2021 về tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp, không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp; kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại địa phương đúng quy định.
Giám đốc Sở LĐ - TBXH TP Hà Nội trình bày báo cáo tham luận Hội nghị
Nhìn chung, đến hết quý II/2021, tình hình bệnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 26%[1].
Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại đầu cầu trực tuyến Hội nghị
Tính đến hết tháng 6/2021, Bộ LĐ - TBXH đã đề xuất tiếp tục thực hiện việc giảm mức thu, nộp phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước, lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2021[2]; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các quy định về tiếp nhận lao động tại các nước để hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch của nước sở tại. Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 40.602 lao động, đạt 45,11% kế hoạch.
Quyết liệt nhiều phương án hỗ trợ người lao động
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Đăng Hoàng đã thông tin về tình hình triển khai hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố, đến nay, thành phố đã chi hỗ trợ cho 326.141 lượt đối tượng với tổng kinh khí hơn 501,7 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu tập trung ưu tiên cho đối tượng người lao động bị mất việc, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 4 năm 2021 làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… trên địa bàn thành phố một lần nữa bị ảnh hưởng rất lớn. Các doanh nghiệp, cơ sở phải tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm dẫn đến một bộ phận lao động phải nghỉ việc, ngừng việc, không có nguồn thu nhập, nhất là lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, giáo dục ngoài công lập. Ngoài ra, có một số đối tượng thuộc diện người có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và một bộ phận nhân dân, người lao động do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tại Hội nghị
Còn theo đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đợt dịch lần thứ 4 có khoảng 30 – 50 nghìn lượt người bị ảnh hưởng. Đối với lao động tự do, UBND tỉnh đã ban hành riêng Quyết định 2379/QĐ-UBND để triển khai thực hiện, trong đó hỗ trợ 01 lần mức 1.500.000 đồng/người cho các nhóm đối tượng gồm: Thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 02 bánh; Bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; Tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực: Ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp (cắt - uốn tóc, nail); lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 01 tháng 5 năm 2021, gồm: Karaoke, quán bar, vũ trường, phòng trà, rạp chiếu phim, cơ sở massage, xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, phòng tập Gym, fitness, biliards, yoga… Theo đó, toàn tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 25.000- 30.000 lượt đối tượng với kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang phát biểu tại đầu cầu trực tuyến
Riêng tại Bắc Giang, một trong những tâm dịch lớn nhất của cả nước với hơn 5.700 ca bệnh. Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, để khống chế dịch bệnh, có thời điểm, tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 04 khu công nghiệp (KCN), cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với 06 huyện và giữ lại hơn 60.000 lao động ngoài tỉnh; giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-với 02 huyện, thành phố; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn, đời sống nhân dân bị đảo lộn… Vì vậy, các chỉ tiêu đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành không đạt được theo kế hoạch. Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp đều thiếu lao động do nhiều lao động vẫn còn ở trong vùng cách ly xã hội hoặc đang trong thời gian cách ly y tế; đặc biệt nhiều lao động vẫn còn tâm lý e ngại khi quay trở lại làm việc tại các KCN do sợ lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ bị cắt giảm đơn hàng, thị trường bị thu hẹp, bên cạnh đó phải tăng đầu tư chi phí cho công tác phòng chống dịch, xét nghiệm tầm soát định kỳ Covid-19 người lao động nên chưa bố trí cho người lao động đi làm trở lại…



Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ TTg, ngày 08/7/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ CP và Quyết định số 23/2021/QĐ TTg đến 63 tỉnh, thành phố, đồng thời ban hành văn bản số 6199/HD NHCS hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và tô chức tập huấn đến cán bộ trong toàn hệ thống.
ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH phát biểu tại Hội nghị
Còn theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tham mưu các Bộ, Ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trong đó có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH Việt Nam gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ từ quỹ BHTN. Bên cạnh dó, Ngành cũng thực hiện xác nhận trong 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác liên quan đến NLĐ và NSDLĐ.
Tổng GĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình hỗ trợ
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương những nỗ lực rất lớn của toàn bộ cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành, các địa phương đã đồng hành cùng Bộ trong những tháng khó khăn đầu năm 2021, Bộ trưởng nhấn mạnh cần kiên định thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, nhưng mục tiêu kép cần đổi mới. Nơi chưa có dịch thì tập trung phát triển kinh tế, có nơi có dịch thì phải cần tập trung chống dịch, thậm chí là sống chung với dịch với phương châm 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ. Đồng thời, lấy an toàn cho người dân là trên hết, đàm bảo ổn dịnh cuộc sống, nhất là quan tâm đến người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương không được chậm trễ trong việc triển khai hỗ trợ người lao động. Nếu để xảy ra tiêu cực, trục lợi là có tội với dân.
Các đại phương tham dự Hội nghị tại đầu cầu trực tuyến
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các cấp, ngành cần chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương để tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, UBND tỉnh/thành phố triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Đối với lao động tự do, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương ban hành chính sách linh hoạt  đối với các đối tượng này như hỗ trợ tiền mặt đến từng đối tượng, triển khai mô hình cây gạo tình thương, siêu thị 0 đồng, bữa cơm từ thiện hỗ trợ lao động nghèo…
Các địa phương, các Cục Vụ trực thuộc, Tổng LĐLĐ Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, NHCSXH chủ động phối hợp với ngành LĐ – TBXH và các địa phương để khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân sớm nhất. Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình hỗ trợ, các cơ quan báo chí cần nêu điển hình những địa phương làm tốt công tác hỗ trợ người dân; cung cấp thông tin về những địa phương có biểu hiện trục lợi để các Bộ, ngành có phương án xử lý nếu xảy ra tình trạng chậm triển khai hoặc có những biểu hiện không minh bạch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Khánh Quyên – Chí Tâm


[1] Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2021 là 26,1%.

[2] Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 của Bộ Tài chính.