Xã hội
Yên Bái: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,52% so với năm 2019
10:02 AM 30/11/2020
(LĐXH)- Theo báo cáo kết qủa rà soát hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Yên Bái năm 2020, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là trên 15.300 hộ, chiếm tỷ lệ 7,04%, giảm trên 9.700 hộ nghèo, tương ứng với giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,52% so với năm 2019. Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là gần 18.300 hộ, tỷ lệ 8,37%, giảm trên 2.200 hộ tương ứng với trên 1,1% so với năm 2019.
Năm 2020 tỉnh đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững để duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Cùng với đó tỉnh đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về nhà ở, mua thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Diện mạo các xã vùng 30a của Yên Bái đã dần khởi sắc
Đặc biệt, thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp xóa đói, giảm nghèo tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quy định các chính sách có liên quan đến công tác giảm nghèo tại các huyện này, trong đó có nội dung chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong đó, với việc triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh  tế - xã hội trên địa bàn 2 huyện được tập trung đầu tư, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt…; tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện tiếp cận thị trường để từ đó phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. 
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã có tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất, tăng thu nhập của người dân, từng bước cải thiện điều kiện và chất lượng y tế giáo dục cho nhân dân. Theo đó, đã thực hiện đầu tư làm mới và duy tu bảo dưỡng cho 219 công trình, trong đó đầu tư 139 công trình khởi công mới; duy tu bảo dưỡng 80 công trình, qua đó đã góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, điện, trường, trạm… cơ bản đã đáp ứng tốt việc đi lại, giao thương kinh tế, văn hóa; các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng được việc tưới tiêu phục vụ phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ; công tác y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư và phát huy tốt hiệu quả.
Các công trình giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã đã được đầu tư đầy đủ. Theo quy hoạch, 100 số xã thuộc 2 huyện nghèo đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 85% đi lại được bốn mùa; 100% số trung tâm xã đã có điện, xe máy đã đến được 100% số bản; các công trình thủy lợi cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm; mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông... được nâng lên.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập đã nhận được sự tin tưởng, tham gia tích cực của người dân, góp phần chuyển đổi nhận thức của người nghèo trong phát triển sản xuất. Nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa để có thu nhập cao hơn, vươn lên thoát nghèo và đóng góp tích cực vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các tiểu dự án về hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cơ bản đã hoàn thành kế hoạch đề ra đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng định mức hỗ trợ, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân trên địa bàn 2 huyện. 
Thời gian tới, Yên Bái xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ du lịch, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Song quan trọng hơn cả, đó là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức để người nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và thấy rằng, các chính sách ưu đãi là cơ hội, đòn bẩy giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Hồng Minh