Giáo dục - Nghề nghiệp
Yên Bái: Tạo việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm
02:33 PM 21/11/2019
(LĐXH)- Đào tạo nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm của tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo tại tỉnh Yên Bái.
Trong 10 năm (2010-2019), từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... tỉnh Yên Bái đã đào tạo cho 149.952 người, trong đó có 118.059 lao động nông thôn (chiếm 79%).
Riêng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, toàn tỉnh đã mở 1.680 lớp, với số lao động nông thôn được học nghề là 49.346 người (bình quân gần 5.000 người/năm). Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 33.178 người (chiếm 67,2%), lĩnh vực phi nông nghiệp là 16.168 người (chiếm 32,8%).
Giáo viên Trung tâm Dạy nghề và GDTX huyện Văn Yên hướng dẫn người dân vùng quế chế tác đồ thủ công mỹ nghề từ vỏ quế
Trong tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, đã có 409 người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; 34.437 người dân tộc thiểu số; 8.761 người thuộc hộ nghèo; 1.274 người người thuộc hộ bị thu hồi đất; 154 người người khuyết tật; 1.575 người người thuộc hộ cận nghèo tham gia học nghề.
Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 52 xã/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó số xã đạt chuẩn về tiêu chí 14.3 “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” là 102 xã, chiếm 65%. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 83 xã/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 52,86% trong đó số xã đạt chuẩn tiêu chí 14.3 “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” đến năm 2020 phấn đấu đạt 125 xã/157 xã, chiếm 79,6%.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả như: Sản xuất rau an toàn tại xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái); Trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, may công nghiệp (huyện Trấn Yên); Chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel (huyện Văn Yên); xây dựng, chăn nuôi lợn (huyện Lục Yên); chạm khắc đá (huyện Văn Chấn), kỹ thuật nuôi ong mật tại tại xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải), du lịch cộng đồng Homestay (tại thị xã Nghĩa Lộ)...
Các mô hình dạy nghề điển hình, tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả tại các địa phương, qua đó góp phần chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, giảm nghèo, đem lại việc làm cho người lao động.
Giai đoạn năm 2019-2020, toàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 47.500 người, trong đó có 37.590 lao động nông thôn tham gia học nghề. Có 12.000 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án, bình quân mỗi năm hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.000 người trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp chiếm từ 55-60%, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm từ 40-45%;
Phấn đấu có trên 85% lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước.
Học viên học nghề may tại trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ
Giai đoạn 2019-2020, tỉnh Yên Bái Tập trung đào tạo đối với lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân; lao động là người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ.
Các ngành nghề để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào làm việc trong các khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư; đào tạo nghề gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% trong tổng số chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo hàng năm.
Phấn đấu đến hết năm 2019 toàn tỉnh có 111 xã/157 xã đạt tiêu chí 14.3 “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo”, đến năm 2020 phấn đấu có 125 xã/ 157 xã đạt tiêu chí 14.3 “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” chiếm 79,6%.
Có thể thấy, kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến cuối năm 2019 đạt 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 29,4%.
Đào tạo nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm của tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo tại tỉnh Yên Bái. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương và của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững./.
Dương Thìn