Giáo dục - Nghề nghiệp
Yên Bái nâng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ
01:36 PM 02/10/2019
(LĐXH)- Đề án “Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.
Một trong những mục tiêu của Đề án Chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu từ chiều rộng sang mô hình kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu một cách hợp lý nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững. Nâng cao trình độ của người lao động từ đó thúc đẩy tăng năng suất lao động trong các ngành; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Tỉnh Yên Bái có nguồn lao động trẻ và dồi dào với cơ cấu lao động trong độ tuổi (từ 15 đến 39 tuổi) chiếm 70,6% tổng dân số trong độ tuổi lao động. Cùng với cả nước, Yên Bái đang bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với những cơ hội về nguồn lao động trẻ dồi dào, nếu lực lượng lao động này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động thì sẽ tạo ra của cải vật chất lớn, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai. Cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng đem lại thách thức nếu tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp.
Yên Bái đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (ảnh minh họa)
Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp cùng với đó là sự dịch chuyển về cơ cấu lao động, chất lượng nguồn nhân lực đã có sự cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương và bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Tuy nhiên, cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch còn chậm, trong 7 năm 2011-2017, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ giảm được 7,48% (bình quân khoảng 1,1%/năm). Tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao (hết năm 2017, tỷ trọng này của Yên Bái là 66,66%, trong khi toàn quốc là 44%), song lại có đóng góp thấp cho nền kinh tế, năng suất lao động trong nông nghiệp thấp, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh tuy đã được cải thiện song còn chưa đáp ứng so với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, để hình thành cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm khai thác tối đa lợi thế của thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” để tăng năng suất lao động, việc xây dựng Đề án “Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” là rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.
Tính đến hết năm 2017, dân số tỉnh Yên Bái đạt 806.000 người, trong đó, dân số thành thị là 165.200 người (chiếm 20,4%), dân số nông thôn là 640.800 người (chiếm 79,6%).
Về lực lượng lao động (hay còn gọi là dân số hoạt động kinh tế hiện tại) bao gồm những người từ 15 tuổi trở lên có việc làm (đang làm việc) và những người thất nghiệp, hết năm 2017, lực lượng lao động toàn tỉnh là 476.022 người (chiếm 58,8% so với tổng dân số), trong đó, lực lượng lao động thành thị là 95.204 người (chiếm 20%), nông thôn là 380.818 người (chiếm 80%). Tổng số lao động có việc làm (đang làm việc) của tỉnh năm 2017 đạt 473.925 người.
Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp có xu hướng giảm qua các năm, tuy nhiên tỷ lệ này còn cao so với lao động trong toàn tỉnh. Năm 2010, lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 74,53%, đến năm 2017, tỷ lệ này giảm xuống còn 66,66% (giảm 7,48%, mỗi năm giảm 1,1%), như vậy phần lớn lao động của tỉnh vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh trong 7 năm (2010-2017) diễn ra chậm.
Lao động của tỉnh chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên giá trị của ngành nông nghiệp thấp hơn nhiều so với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Năm 2016, tỉnh Yên Bái có 68% lao động làm việc trong nông nghiệp nhưng chỉ sản xuất được gần 24% GDP, còn 32% lao động trong công nghiệp và dịch vụ sản xuất được 76% GDP. Như vậy, năng suất lao động ở lĩnh vực phi nông nghiệp cao gấp 6,7 lần so với lĩnh vực nông nghiệp, hay năng suất lao động trong nông nghiệp chỉ bằng 1/6 trong công nghiệp và dịch vụ.
Tỷ lệ lao động nông nghiệp tại Yên Bái vẫn còn lớn (ảnh minh họa)
Mục tiêu của Đề án “Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” nâng dần tỷ trọng lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ (đặc biệt là công nghiệp chế biến), giảm dần tỷ trọng lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung xây dựng các vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp có sử dụng lao động có kỹ năng, tay nghề; nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, gắn với khai thác hiệu quả những tiềm năng kinh tế, lao động của địa phương.
Giảm tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 66,7% lao động tham gia hoạt động kinh tế của tỉnh năm 2017 xuống còn 61,9% vào năm 2020 và còn 51,9% vào năm 2025. Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ lệ lao động tăng dần từ 14,52% năm 2017 lên 17,32% năm 2020 và tăng lên thành 22,27% vào năm 2025. Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ,  tỷ lệ lao động tăng dần từ 18,82% năm 2017 lên 20,76% năm 2020 và tăng lên thành 26,03% vào năm 2025.
Chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu từ chiều rộng sang mô hình kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu một cách hợp lý nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững. Nâng cao trình độ của người lao động từ đó thúc đẩy tăng năng suất lao động trong các ngành; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành gắn với mục tiêu giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Việc bố trí việc làm sẽ theo hai hướng: một là, bố trí việc làm tại chỗ bằng cách đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; chuyển một bộ phận lao động dư thừa trong khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; hai là, tăng cường giải quyết việc làm ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài./.
 Hồng Minh