Lao động
Yên Bái: Mù Cang Chải đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
08:15 AM 28/11/2017
(LĐXH)- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Mù Cang Chải xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp bà con các dân tộc ở địa phương nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956) trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả tích cực. Người tham gia học nghề đã biết cách tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.
Kết quả sau 7 năm (2010-2016) thực hiện Đề án 1956 tại Mù Cang Chải cho thấy, về dạy nghề đã có 2.977/2.844 người được hỗ trợ học nghề (mục tiêu Đề án 5/ĐA - UBND ngày 11/11/2010 của Ủy ban nhân dân huyện, đạt 104,7%). Tổng số người đủ điều kiện nhận chứng chỉ nghề: 2.775 người, đạt 93,2%.
Cơ cấu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 21 ngành nghề (chia theo nhóm nghề đào tạo): Nhóm nghề nông nghiệp có 10 ngành nghề, số người học 1.757 người (chiếm 63,3%); nhóm nghề phi nông nghiệp có 11 ngành nghề, số người học 1.018 người (chiếm 36,7%).
Nhiều hộ nông dân tham gia học nghề nuôi ong đã cho năng suất cao

Theo đánh giá: Tỷ lệ lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước: 2.381 đạt 85,8%. Số lao động nông thôn sau khi học nghề làm đúng so với nghề đào tạo, trong đó, số lao động nông thôn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã: 2 tổ; số lao động nông thôn tự tạo việc làm: 2.379 người. Số hộ gia đình có người tham gia học nghề được thoát nghèo (sau 1 năm học nghề): 40 người. Hộ gia đình sau học nghề trở thành hộ khá: 110 hộ. Lao động nông thôn chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp sau học nghề: 2 người (xã  Chế Cu Nha, Cao Phạ).
Có 4 lớp mô hình điển hình, với 119 học viên, sau khi học nghề xong biết cách áp dụng các kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi, ý thức được các sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ cho gia đình tự cung, tự cấp mà còn hướng ra thị trường để giải quyết việc làm có thu nhập cao. Có 10 cá nhân điển hình sau học các ngành nghề theo Đề án trên địa bàn huyện đã tự mở xưởng, hiệu sửa chữa làm dịch vụ trên địa bàn các bản, xã; tạo ra các sản phẩm hàng hóa bán trên thị trường.
Đề án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh, đặc biệt cơ quan Thường trực là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện; sự vào cuộc của các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở dạy nghề, UBND các xã nên các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án đã từng bước được triển khai theo đúng tinh thần Quyết định 1956 và các văn bản hướng dẫn của tỉnh.
UBND huyện Mù Cang Chải khẳng định: Việc thực hiện Đề án đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững.
Sự chỉ đạo tích cực của Ban chỉ đạo, sự vào cuộc của các thành viên Ban từ huyện đến xã, đã làm chuyển biến tích cực từ nhận thức đến thực hiện của nhân dân và người lao động đối với Đề án Quyết định 1956, từ đó người lao động luôn tích cực tham gia theo học nghề để xóa đói giảm nghèo bền vững.
Anh Vàng A Trư ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải sau khi học lớp sửa chữa nông cụ đã mở cửa hàng kinh doanh riêng
Sau 7 năm thực hiện Đề án, người lao động được tạo việc làm: 2.381/2775 người, đạt 85,8%, trong đó: Nghề nông nghiệp: Qua các lớp kỹ thuật nuôi ong mật, lao động biết tách tổ, biết cách cho ăn, giữ được ong không bay ra khỏi tổ trong lúc thay đổi khí hậu và thức ăn khan hiếm, đã tạo ra sản phẩm mật ong bán ra thị trường hàng năm. Nhãn hiệu mật ong Mù Cang Chải được giữ vững trong huyện, tỉnh và ngày càng triển trên thị trường. Lao động học các nghề khác đã biết sử dụng các loại thuốc phòng trừ, chuẩn đoán và phòng chống các loại bệnh dịch hại cây trồng, vật nuôi.
Nghề phi nông nghiệp: Nghề sửa chữa xe máy có 01 lao động xã La Pán Tẩn được hỗ trợ vay vốn để mở hiệu sửa chữa, số tiền: 20 triệu đồng; lao động ở các xã khác sử dụng nguồn vốn gia đình tự mở các hiệu sửa chữa nhỏ lẻ tại bản làng, để sửa chữa, phục vụ bà con nhân dân; có 1 lao động xã Cao Phạ mở hiệu buôn bán và sửa chữa máy nông cụ. Nghề xây dựng có 01 lao động xã Púng Luông thành lập hợp tác xã thực hiện xây dựng các công trình, 01 lao động xã Chế Cu Nha mở xưởng ép gạch ba vanh (cho thuê nhân công bình quân mỗi ngày 3 lao động). Lãnh đạo các xã tạo việc làm cho lao động thực hiện các công trình nhỏ lẻ của xã như xây nhà vệ sinh thuộc dự án của huyện, sửa chữa các công trình thủy nông hoặc lao động tự trang trại trong gia đình xây chuồng lợn, chuồng gà...
Bên cạnh kết quả đạt được, sau 7 năm thực hiện Đề án ở huyện vẫn còn những khó khăn và tồn tại. Đó là học viên tốt nghiệp so với kế hoạch đầu vào 2.775/2.977 học viên, đạt 93,2%. Kết quả tốt nghiệp chưa tương xứng với Đề án đạt ra.
Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện đào tạo nghề của một số xã chưa được quyết liệt, kịp thời dẫn đến mất chỉ tiêu học viên tại một số lớp nghề. Cơ sở dạy nghề của huyện cũng như các cơ sở khác chỉ thực hiện các lớp nghề nông nghiệp dưới 3 tháng, còn Ủy ban nhân dân các xã đăng ký cả các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp dẫn đến khó khăn thực hiện các lớp nghề phi nông nghiệp.
Các thành viên tại một lớp dạy nghề xây dựng
Giáo viên dạy nghề cơ hữu của Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện còn thiếu (hiện có 1 giáo viên dạy nghề). Sau học nghề học viên tự tạo việc làm tại bản, xã và một số dịch vụ nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ gia đình, dân bản, lao động chưa tham gia vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.
Giai đoạn 2017-2020, Mù Cang Cải đặt chỉ tiêu tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là 1.896 người, thuộc lao động nhóm 1 (người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm).
Cơ cấu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (chia theo nhóm nghề đào tạo): Nhóm nghề nông nghiệp 1.147 người (chiếm 60,5%); nhóm nghề phi nông nghiệp 749 người (chiếm 39,5%). Mục tiêu về tỷ lệ lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước: 80%.
Để thực hiện mục tiêu này, Mù Cang Chải kịp thời ban hành kế hoạch triển khai, các quyết định phê duyệt chi tiêu, kinh phí cho các cơ sở dạy nghề tổ chức triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg từ huyện đến xã để hoạt động công tác đào tạo nghề có hiệu quả.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên các kênh thông tin đại chúng từ huyện đến xã; trong các cuộc họp, hội nghị, giao ban; tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp trên các xã, các bản để nhân dân và người lao động hiểu ý nghĩa, vai trò của Quyết định 1956/QĐ-TTg và tích cực tham gia học nghề.
Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ đạo việc rà soát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn các xã, thị trấn để xây dựng kế hoạch học nghề sát với tình hình  phát triển kinh tế xã hội của địa phương; giám sát việc thực hiện đào tạo nghề trên địa bàn để rút ra những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả.
Về giải pháp, huyện tiếp chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của người lao động; tổng hợp số lao động, lựa chọn ngành nghề có hiệu tại địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch dạy nghề hàng năm có hiệu quả. Phối hợp các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đảm bảo cho người lao động sau học nghề có việc làm ổn định. Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tiến hành đăng ký hoạt động dạy nghề đối với các ngành nghề có hiệu quả, các nghề do các xã, thị trấn đăng ký đào tạo để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.
Dương Thìn