Xã hội
Yên Bái khuyến khích người hưởng trợ cấp BHXH nhận tiền qua tài khoản
02:04 PM 08/04/2021
(LĐXH)- BHXH tỉnh Yên Bái tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp… nhận tiền qua tài khoản cá nhân.
Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Kế hoạch số 1764/KH- BHXH ngày 23/5/2019 của BHXH Việt Nam về thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; Công văn số 539/BHXH-TCKT ngày 05/3/2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc giao chỉ tiêu vận động khuyến khích người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian qua, BHXH tỉnh Yên Bái đã phối hợp với cơ quan bưu điện, các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán công hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp… nhận tiền qua tài khoản cá nhân.
(Ảnh minh họa)

Năm 2020, BHXH Yên Bái đã vận động được 1.675 người chi trả qua tài khoản cá nhân tại các ngân hàng; nâng tổng số người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân lên 6.583 người, đạt 17% trên tổng số người hưởng. Trong 2 tháng đầu năm 2021, đã vận động được 259 người đăng ký chi trả qua tài khoản cá nhân, nâng tổng số người đăng ký chi trả qua tài khoản cá nhân đến hết tháng 2/2021 là 6.842 người.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chi trả qua tài khoản cá nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến số người đăng ký chi trả qua tài khoảng cá nhân tại ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn còn khá thấp.
Một phần nguyên nhân do tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của đa số người dân còn rất phổ biến nên muốn nhận chế độ trực tiếp bằng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng ngày, còn lại phần lớn do đối tượng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đa phần là người lớn tuổi hạn chế trong sử dụng công nghệ mới; hạ tầng của các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được ở vùng nông thôn, hệ thống máy ATM rút tiền chủ yếu ở thành phố, thị xã...
Do đó, để thực hiện hiệu quả chủ trương chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh Yên Bái ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện mục tiêu năm 2021 đạt 28% số người nhận lương hưu, 80% người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, 98% người hưởng trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.
Trong đó yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Bưu điện tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền chủ trương của Nhà nước về chi trả chính sách an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng; hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; vận động, khuyến khích người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân; khuyến khích các ngân hàng thương mại quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp hợp lý mạng lưới ATM để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt nơi tập trung đông dân cư, khu vực nông thôn.
Triển khai hỗ trợ mở tài khoản, thẻ ATM cho người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó thông báo công khai, thường xuyên về quy trình, thủ tục đăng ký mở tài khoản; tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp cận điểm chi trả, vận động khai thác người hưởng mở tài khoản cá nhân và phát hành thẻ ATM; phối hợp với các ngân hàng hướng dẫn người hưởng đăng ký mở tài khoản và nhận thẻ ATM ngay tại điểm chi trả.
Thực tế cho thấy, việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đem lại rất nhiều tiện ích cho người hưởng như tiết kiệm được thời gian, công sức, tránh được rủi ro tiền giả và đặc biệt là đảm bảo an toàn cá nhân.
Chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho người lao động... Do đó, đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định.
Với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian, nhân lực trong quản lý, giao nhận, kiểm đếm. Hình thức chi trả này giúp người dân tiếp cận và sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch; từ đó sẽ giúp gia tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ tăng cường ổn định trật tự an ninh xã hội./.
Hồng Minh