Lao động
Yên Bái đẩy mạnh phổ biến pháp luật lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp
09:42 AM 26/07/2018
(LĐXH)- Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Yên Bái đã không ngừng coi trọng và đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động.
Theo đó, trong năm 2018, Yên Bái có kế hoạch mở 6 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cho người lao động và người sử dụng lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Mục đích của các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật lao động đến người lao động và người sử dụng lao động; đảm bảo việc chấp hành, thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.
Nâng cao nhận thức về mặt pháp lý và ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành tốt pháp luật lao động của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, giữ vững và ổn định kinh tế, chính trị xã hội của địa phương.
Các cá nhân, tập thể được khen thưởng tại Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ Yên Bái năm 2018
Nội dung tập huấn tập trung vào Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2014; phổ biến các chính sách về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội như: Đăng ký khai trình sử dụng lao động; xây dựng thang bảng lương; ký kết hợp đồng lao động; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng, đăng ký nội quy lao động; chính sách, chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết tranh chấp lao động và đình công, quản lý lao động nước ngoài...
Sở LĐTB&XH Yên Bái cho biết, ngoài TP Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, địa điểm tổ chức các lớp học sẽ được tổ chức tại các huyện Yên Bình và Lục Yên, dự kiến sẽ có khoảng 350 người tham gia.
Để việc phổ biến pháp luật lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất, Yên Bái đã tập trung đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành đang còn hiệu lực và mới được ban hành của Trung ương và địa phương về chính sách Bảo hiểm xã hội, pháp luật Lao động; cập nhật tin, bài, ảnh, banner về các chính sách Bảo hiểm xã hội, pháp luật lao động lên trang Lao động - Việc Làm trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Đồng thời, tiếp nhận câu hỏi của nhân dân gửi tới các cơ quan chức năng có liên quan trả lời, giải đáp thắc mắc và đăng tải tại chuyên mục “Công dân, doanh nghiệp hỏi – Cơ quan nhà nước trả lời”.
Liên đoàn lao động huyện Yên Bình coi trọng công tác chăm lo đời sống người lao động
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH và các đơn vị trực thuộc còn thường xuyên động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động tìm hiểu thêm về các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Được biết trong năm 2017, Sở phối hợp với Trung tâm Huấn luyện ATLĐ - Cục ATLĐ tổ chức 6 lớp huấn luyện cho 655 người là lãnh đạo, cán bộ quản lý ATLĐ, kỹ sư vận hành và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lớp huấn luyện đã giúp người lao động và người sử dụng lao động nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành đúng quy định, giảm thiểu tai nạn lao động xảy ra.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động cho người lao động và chủ sử dụng lao động; vận động các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị phổ biến các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, ATVSLĐ, chính sách đối với lao động là nữ; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, tình hình nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Tính đến hết ngày 31/12/2017, toàn tỉnh Yên Bái có 1.781 doanh nghiệp, sử dụng 32.848 lao động (kể cả lao động làm việc theo mùa vụ và công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng), tăng 191 doanh nghiệp so với năm 2016. Việc tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động là nhằm từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài đối với ngành LĐTB&XH./.

Nguyễn Long