Lao động
Xuất khẩu lao động tự phát: Giấc mơ chưa trọn vẹn
04:43 PM 25/08/2017
Những năm gần đây, phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo cho người dân. Không ít gia đình thoát nghèo, địa phương “thay da đổi thịt” nhờ XKLĐ. Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời ấy không phải với ai cũng trọn vẹn. Nhiều trường hợp gặp rủi ro nơi đất khách chính là hậu quả một phần xuất phát từ thói quen tìm việc qua người thân, môi giới hay còn được hiểu là XKLĐ tự phát. Đã đến lúc chúng ta cần chấn chỉnh lại hoạt động này để "xuất ngoại" thực sự là lựa chọn đúng đắn trên con đường lập nghiệp.
Những rủi ro nơi đất khách
Năm 2010, thấy nhiều người ở xã đi XKLĐ sang Đài Loan có thu nhập cao, anh Nguyễn Thành Trung ở khu 15 xóm Thành, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao cũng  vay ngân hàng 150 triệu đồng để "xuất ngoại" với hy vọng sẽ tích cóp được vốn để làm ăn và làm lại căn nhà xuống cấp từ lâu. Nhưng công ty sản xuất linh kiện điện tử nơi anh Trung làm việc lại hoạt động cầm chừng khiến thu nhập của anh chỉ đủ trang trải sinh hoạt cá nhân. Sau nhiều lần kiến nghị với công ty môi giới xin đổi việc mà không được đáp ứng, anh Trung cầm cự được 5 tháng rồi đành trốn ra ngoài làm thợ cơ khí, song trớ trêu nhưng anh lại gặp phải ông chủ luôn tìm cách ăn chặn tiền công của những lao động bất hợp pháp như anh. 5 năm nơi đất khách, sau khi trả được 100 triệu đồng/150 triệu đồng đã vay, ngày hồi hương anh Trung thậm chí phải nhờ bạn bè mua cho vé máy bay vì không còn tiền về nước.
Sàn giao dịch việc làm và xuất khẩu lao động được tổ chức
để cung cấp thông tin cho người lao động nhằm hạn chế XKLĐ tự phát.
Tương tự là trường hợp chị Đinh Thị Thanh ở Đồng Thịnh, Yên Lập năm 2014 chị sang Ảrập - Xêút làm nghề giúp việc gia đình qua một công ty môi giới ở Hà Nội. Vì quá bức xúc khi phải làm tới 17- 18h mỗi ngày trong khi hợp đồng thỏa thuận chị chỉ phải làm tối đa 10h/ngày, sau khi đề nghị công ty môi giới tìm việc làm khác nhưng không được giải quyết, chị Thanh đành bỏ trốn ra ngoài và bị bắt vào trại tỵ nạn một thời gian rồi bị trục xuất về nước. Hay như trường hợp chị Đặng Thảo Trinh ở phường Minh Phương, thành phố Việt Trì vì muốn trau dồi thêm vốn Nhật ngữ của mình trước khi tốt nghiệp khoa tiếng Nhật của một trường đại học ở Hà Nội nên đã đăng ký một khóa tu nghiệp sinh thời hạn 1 năm ở Nhật thông qua công ty môi giới. Dù đã phải trả đến 140 triệu đồng cho khóa học 1 năm đào tạo quản lý khách sạn nhưng khi sang đến nước bạn chị Trinh đã không được học một giờ nào trong chương trình học như thỏa thuận. Thời gian làm việc tại khách sạn, cũng không được trả lương trực tiếp mà thông qua công ty môi giới nên dù làm việc đến 12 tiếng/ngày chị Trinh cũng chỉ nhận được khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Chỉ đến khi chủ khách sạn tình cờ biết được thu nhập thật của Trinh và đứng ra đấu tranh với công ty môi giới để trả lương trực tiếp cho người lao động, chị Trinh mới được nhận về 20-22 triệu đồng/tháng. 
Không chỉ dừng lại ở những vấn đề về việc làm hay thu nhập, những rủi ro nơi đất khách còn xảy ra dưới rất nhiều hình thức: Người thì bị đội chi phí xuất cảnh, người vướng vòng lao lý, thậm chí có người còn mất cả mạng sống của mình. Rủi ro cứ xảy ra, nhưng dòng người thì vẫn cứ ra đi mang theo những giấc mơ đổi đời mà chưa bao giờ nhận ra sự thiếu hiểu biết trong hoạt động XKLĐ tự phát chính là một phần của những rủi ro nơi đất khách.
Tự phát với muôn hình vạn trạng
Một thực tế hiện nay là nhiều chương trình XKLĐ có sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền sở tại được các đơn vị  môi giới triển khai về các địa phương đều không được người lao động ủng hộ. Có lẽ chính những rủi ro hàng loạt nơi đất khách khiến người lao động e ngại không còn tin vào các đơn vị môi giới lạ lẫm, chẳng có manh mối nào để tin tưởng. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Chuế Lưu, huyện Hạ Hòa bày tỏ: “Nhiều doanh nghiệp đã về địa phương tuyển người đi XKLĐ nhưng hầu hết đều không thành công, đến nay mới chỉ có Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thái Nguyên - Batimex tuyển được một người”.
Cũng giống như Chuế Lưu, ở Đồng Thịnh, Yên Lập hiện có 129 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trừ 33 lao động trái phép ở Trung Quốc thì số lao động còn lại cũng đều tự liên hệ, tự tìm công ty để đi, trong khi năm nào cũng có đơn vị về xã tuyển dụng thì lại không tuyển được ai. Hay như ở Hà Thạch - thị xã Phú Thọ, từ năm 2016 đến nay cả xã có 38 người XKLĐ thì toàn bộ các trường hợp đều là tự tìm đường "xuất ngoại".
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2016 toàn tỉnh có 2.558 lao động đi làm việc ở các nước, nhưng đây chỉ là số liệu của các doanh nghiệp, công ty môi giới thông báo về chứ không phải số liệu từ các địa phương báo cáo lên. Rõ ràng người lao động đã không còn mặn mà với các đơn hàng, chương trình tuyển dụng được triển khai bài bản ở ngay tại địa phương mà họ lại chọn cách tự tìm đường thông qua việc nhờ bạn bè, người thân dẫn dắt, kết nối với các công ty môi giới. Thay vì tin vào chính quyền, ngành chức năng họ lại gửi niềm tin nơi bạn bè, người quen - những người đi trước đó đã may mắn có được công việc tốt. Chị Nguyễn Kim Cúc ở Hạ Giáp, Phù Ninh, một người nhiều năm làm môi giới về XKLĐ, thẳng thắn cho biết: “Tôi cộng tác với nhiều công ty XKLĐ ở Hà Nội. Ban đầu tôi tư vấn cho vài người đi Nhật và Malaysia thành công, thế là những người khác mách nhau tự tìm đến nhờ tôi giúp đỡ”.
Cần khẳng định người dân tự tìm kiếm công ty môi giới là không sai, tuy nhiên việc "tự thân vận động" chính là lý do khiến nguy cơ rủi ro nơi đất khách của họ tăng lên. Nếu là những chương trình được tổ chức bài bản có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương, khi người lao động gặp rủi ro sẽ được cơ quan quản lý và chính quyền địa phương hỗ trợ bảo vệ quyền lợi bằng việc can thiệp buộc công ty môi giới phải tuân thủ hợp đồng hoặc bồi thường cho họ khi hợp đồng bị phá vỡ. Tuy nhiên, nếu đi tự phát với vai trò cá nhân người lao động, rất khó đấu tranh với công ty môi giới để tự bảo vệ quyền lợi khi điều khoản hợp đồng không được doanh nghiệp tuân thủ.
Trong cả ba trường hợp rủi ro của anh Trung, chị Thanh và chị Trinh nêu trên đều bắt nguồn từ công ty môi giới không đảm bảo cung cấp công việc theo đúng hợp đồng. Nhưng vì khi họ đi chính quyền không biết nên "mình làm mình chịu", cả anh Trung và chị Thanh đều không biết kêu ai. Riêng trường hợp chị Trinh được chủ lao động bảo vệ nên không bị công ty môi giới ăn chặn tiền lương, tuy vậy chương trình học tập của chị vẫn không được thực hiện theo hợp đồng đã ký mà chị cũng chẳng biết làm cách nào để đòi bồi thường được. 
Tình trạng XKLĐ tự phát đang phổ biến cùng với việc lao động bỏ trốn ở một số thị trường chính là bằng chứng cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu tổ chức XKLĐ hiện nay. Để phát huy hiệu quả của công tác XKLĐ, cần phải chấn chỉnh, tổ chức lại hoạt động này nhằm tăng cường mối liên kết, trách nhiệm giữa người lao động – công ty môi giới – chủ sử dụng lao động. Thiết nghĩ, trước tiên phải rà soát lại tình trạng hoạt động của các công ty môi giới, cương quyết thu hồi giấy phép của những đơn vị có dấu hiệu vi phạm, không tuân thủ hợp đồng với người lao động; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, cần có sự hiện diện của chính quyền địa phương trong các hợp đồng XKLĐ; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc tuân thủ hợp đồng lao động, đồng thời cũng phải biết tự bảo vệ quyền lợi của mình. Dù khó khăn, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên phối hợp với các doanh nghiệp đưa nhiều đơn hàng xuống địa phương, kết hợp tuyên truyền cho người dân hiểu và có nhiều sự lựa chọn để hạn chế tình trạng xuất khẩu lao động tự phát hiện nay.
Theo Báo Phú Thọ