Thời sự
Xu hướng chuyển đổi theo hướng tiếp cận năng lực tại các cơ sở GDNN
09:44 AM 15/06/2017
(LĐXH) - Giáo dục nghề nghiệp chuyển đổi theo hướng tiếp cận năng lực là chú trọng tới khả năng áp dụng các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ để thực hiện các nhiệm vụ, công việc trong nghề nghiệp hoặc trong cuộc sống… Mục tiêu đào tạo là sau khi tốt nghiệp người học phải có được các năng lực đủ để thực hiện các nhiệm vụ của nghề và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Đổi mới GDNN theo hướng tiếp cận
Để thực hiện đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận này thì cơ quan quản lý Nhà nước và người đứng đầu tại mỗi cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có vai trò then chốt. Muốn thay đổi một hệ thống cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Tiếp đó, người đứng đầu cơ sở dạy nghề phải tìm hiểu kỹ nội hàm của phương pháp tiếp cận mới, xác định cơ hội và thách thức, có niềm tin và khát khao đổi mới, lan tỏa tinh thần đổi mới tới mọi người...
Vai trò của chuyên gia tư vấn và các nguồn lực bên ngoài bởi đây là vấn đề mới, ban đầu nên mời chuyên gia am hiểu và có kinh nghiệm về đào tạo theo năng lực, sau đó có thể mời thêm chuyên gia nghề và chuyên gia sư phạm. Việc mời được đội ngũ chuyên gia giỏi có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng nội lực của cơ sở dạy nghề mới là yếu tố quyết định. Vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của cơ sở phải hết sức chủ động để tiếp nhận và làm chủ công nghệ đào tạo mới. Ngoài ra phải huy động tối đa các nguồn lực khác: như các kết quả của các dự án đã và đang thực hiện (các bộ chương trình, tài liệu, kinh nghiệm...), cơ sở vật chất của các doanh nghiệp, đối tác… Không một cơ sở dạy nghề nào có đủ ngay các nguồn lực để đổi mới, việc huy động các nguồn lực bên ngoài là cần thiết, các nguồn lực bên ngoài cùng với các nguồn nội lực sẽ nâng cao năng lực của trường.
Giáo viên là lực lượng chính thực hiện tất cả các khâu của quá trình đào tạo, vì vậy họ là nhân tố quan trọng hàng đầu. Cách đào tạo truyền thống đã ăn sâu vào từng giáo viên cho nên khi thay đổi không tránh khỏi tư tưởng băn khoăn e ngại, trong khi đó đổi mới toàn diện là một công việc vô cùng khó khăn đòi hỏi phải kiên trì, quyết liệt… Theo phương pháp tiếp cận mới, giáo viên cần được bồi dưỡng để có được hệ thống các năng lực đáp ứng yêu cầu của công nghệ dạy học mới, trước hết họ phải được bồi dưỡng về: Năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề; Năng lực tổ chức hoạt động dạy và học: Năng lực đánh giá…
Mỗi cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần chủ động xây dựng đề án đổi mới công tác đào tạo bởi đây là một công trình khoa học phải có thời gian tham khảo ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở dạy nghề, để tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện đề án. Đổi mới đào tạo theo cách tiếp cận mới là đổi mới toàn diện, vì vậy phải xác định các vấn đề mới, đánh giá đúng thực trạng, những khó khăn, thuận lợi, khả năng huy động các nguồn lực. Phân chia ra nhiều giai đoạn, xác định mục tiêu cho từng giai đoạn, đề ra các giải pháp và nhiệm vụ, các trọng tâm, trọng điểm và kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú ý tới hai điểm tựa xuyên suốt của phương pháp tiếp cận theo năng lực là: Đào tạo theo yêu cầu thực tiễn và đào tạo lấy người học làm trung tâm...
PV
Từ khóa: GDNN; cơ sở