Thời sự
Xây dựng ứng dụng trực tuyến phục vụ người dân trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp
09:31 AM 24/03/2020
(LĐXHH)- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc dừng các cuộc họp trực tiếp, chuyển sang làm việc trực tuyến (online), góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chiều 23/3, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các đơn vị của Bộ tại nhiều điểm cầu.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng áp dụng, xây dựng app (ứng dụng trực tuyến) nhằm giúp đỡ người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là nghiên cứu để hình thành ứng dụng trực tuyến tích hợp các dịch vụ lĩnh lương hưu, đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, tra cứu việc làm…
Ứng dụng công nghệ thông tin phải vì cộng đồng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội đã rất tích cực cùng chung tay với công tác phòng, chống dịch. Nhất là trong hai ngày qua, bên cạnh các hoạt động chỉ đạo trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã là người tiên phong, sáng tạo trong chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc hình thành một ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin. Điều này tạo nên một hiệu ứng tốt trong toàn xã hội. Với trách nhiệm là ngành quản lý Nhà nước về lĩnh vực an sinh xã hội với hàng chục triệu người dân thụ hưởng, Bộ Lao động - TBXH cũng không thể đứng ngoài cuộc trong việc áp dụng công nghệ thông tin để giúp người dân trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì buổi họp trực tuyến với các đơn vị tại nhiều điểm cầu
Đánh giá về tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng công tác phòng chống dịch sẽ có thể còn phải kéo dài. Do đó, viêc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch là hết sức cần thiết. Đây cũng là cơ hội để ngành đổi mới căn bản, sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta không thể không đưa ra sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin, sáng kiến này phải vì cộng đồng, phục vụ cho người dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Để phòng chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng đang kêu gọi mọi người hạn chế ra đường, không tụ tập đông người. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ phải làm gì để giúp những người phải ngồi tại nhà vẫn có thể tự giải quyết được những nhu cầu về giao dịch thiết yếu nói chung, trong đó có giao dịch trong lĩnh vực an sinh xã hội? Theo đó, những nhu cầu đơn giản như người già dù ở nhà nhưng có thể vẫn có thể trực tiếp mua sắm hàng hoá thiết yếu, lĩnh lương hưu, đăng ký nhận thuốc phòng bệnh theo chế độ thẻ BHYT, nhận tiền trợ cấp xã hội. Đồng thời, người lao động dù ở nhà vẫn thực hiện được việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tham gia vào các phiên giao dịch việc làm trực tuyến...
Điểm cầu tại Văn phòng Bộ với sự tham dự của thủ trưởng một số đơn vị
Tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi mở 2 vấn đề cấp thiết cần phải triển khai sớm đó là: ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo điều hành của ngành hiện nay; xây dựng một app (website ứng dụng trực tuyến) với mục tiêu Bộ Lao động - TBXH đồng hành cùng với người dân, lo cho người dân. Cùng với việc đề xuất xây dựng ứng dụng trên, các cơ quan liên quan của Bộ cũng nhanh chóng nghiên cứu và phát triển thêm nhiều tiện ích về việc làm và an sinh xã hội.
“Nếu thực hiện được điều này, trong ngắn hạn, ứng dụng sẽ không chỉ giúp cho nhiều đối tượng phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Về lâu dài, ứng dụng trực tuyến còn hiện thực và cụ thể hoá chủ trương Chính phủ điện tử đã và đang được tổ chức thực hiện” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định.
Xây dựng app ứng dụng trực tuyến
Tại buổi họp trực tuyến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã giao các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai những phần việc theo gói đề xuất đã được Bộ trình Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất áp dụng từ tháng 3 đến tháng 12/2020; về chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 12/2020... trước tác động của dịch Covid 19.
Dù đi công tác nhưng Thứ trưởng Lê Quân vẫn tham gia được cuộc họp trực tuyến của Bộ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dẫn chứng: Thực tế, bảo hiểm thất nghiệp nhất thiết phải chi, phải tiếp nhận hồ sơ nhưng cứ tiếp nhận hồ sơ mà có hàng nghìn người phải về các trung tâm giao dịch việc làm thì liệu có an toàn không? Do đó, cần nhanh chóng nghiên cứu xây dựng một app ứng dụng công nghệ trực tuyến cao hơn đó là tiến tới xây dựng một app trực tuyến về việc làm quốc gia, quy tụ tất cả những vấn đề như việc làm, chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, dạy nghề. Trước mắt, nghiên cứu app này sẽ góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong điều kiện tránh tụ tập đến các trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ; đồng thời tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động trong lúc đang bị giãn việc, ngừng việc... Và dứt khoát chúng ta phải tính tới vấn đề tiện ích này, vì không đi trước và làm trước thì chúng ta lạc hậu.
“Những phần việc về ứng dụng công nghệ thông tin cần sớm thực hiện như thị trường lao động nước ngoài, cổng thông tin điện tử toàn bộ vấn đề liên quan đến việc làm, vấn đề giáo dục nghề nghiệp, chọn trường, chọn lớp, chọn chương trình học; lĩnh vực người có công xây dựng các nội dung liên quan như chia sẻ bia mộ liệt sỹ, tới đây sẽ làm về quản lý dữ liệu toàn bộ người có công, ngân hàng gen… Về lâu dài, chúng ta sẽ hình thành một trục thông tin điện tử kết nối với nhau. Những nội dung chưa kết nối với nhau, đồng bộ với nhau cần phải phát triển nó lên một tầm cao mới” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, yêu cầu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ thêm với phóng viên sau buổi họp trực tuyến
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, Bộ Lao động – TBXH sẽ kêu gọi các tập đoàn như FPT, VNTP, Viettel cùng cùng tham gia với tính chất như xã hội hóa. Khi xây dựng app ứng dụng trực tuyến sẽ tích hợp 6 trụ cột an sinh lớn, như: người có công với cách mạng, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và bảo hiểm y tế. “Hướng tới xây dựng mỗi người dân có một thẻ an sinh. Tôi có thẻ an sinh, có thể đi thành phố Hồ Chí Minh mà vẫn thanh toán được bảo hiểm thất nghiệp hoặc trợ cấp xã hội, rút lương…” - Bộ trưởng nêu ý tưởng.

Trần Thắng