Xã hội
Xây dựng môi trường lành mạnh tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau
01:12 PM 23/03/2023
(LĐXH) – Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có trên 2.000 người nghiện ma tuý, sau thời gian ngừng tiếp nhận để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid -19, Cơ sở Cai nghiện ma tuý, đơn vị trực thuộc Sở bắt đầu nhận học viên vào cai nghiện từ cuối tháng 3/2022 với phần lớn đối tượng nghiện đều tập trung ngoài cộng đồng.
Ngôi nhà giúp cho người nghiện tái hoà nhập cộng đồng
Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau hiện đang quản lý 252 học viên, trong đó, có 199 đối tượng bắt buộc (15 người không nơi cư trú ổn định); 16 đối tượng tự nguyện; vắng mặt 27 lượt đối tượng. Trong những năm qua, Cơ sở luôn phấn đấu hoàn tốt nhiệm vụ được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao, đáp ứng nhu cầu cai nghiện ma túy cho người nghiện theo hình thức bắt buộc và tự nguyện, góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội xảy ra ở các huyện, thị xã, thành phố do người nghiện ma túy gây ra. Giúp cho người nghiện sau khi cai nghiện tại Cơ sở tái hòa nhập gia đình, cộng đồng. Trong đó nhiều người đã đoạn tuyệt với ma túy, quyết tâm làm lại cuộc đời, xây dựng gia đình, phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình và tạo việc làm cho nhiều người khác.
Học viên được học nghề để có điều kiện làm việc, có thu nhập khi tái hoà nhập cộng đồng.
Trong công tác tiếp nhận và giải quyết tái hoà nhập cộng đồng, năm 2021, đơn vị chuyển sang 261 học viên trong đó, có 260 đối tượng bắt buộc và 01 đối tương tự nguyện; vắng mặt 37 học viên. Riêng trong năm 2022, đã tổ chức tiếp nhận 252 học viên (54 tự nguyện; 198 bắt buộc); tái hoà nhập cộng đồng 259 học viên. Ngoài việc làm tốt công tác quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế sự phát sinh người nghiện ma tuý, các hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý, một trong những giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra đó là phải tuyên truyền, vận động, đồng thời đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện tập trung.
Theo ông Phạm Hoàng Sa, Giám đốc Cơ sở cai nghiện tỉnh Cà Mau, cai nghiện tập trung tại cơ sở, người nghiện sẽ có nhiều thuận lợi khi tái hoà nhập cộng đồng, bởi tại đây, ngoài việc được giáo dục, rèn luyện ý chí, thay đổi hành vi, phục hồi nhân cách, từ bỏ ma tuý, thì trong quá trình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khoẻ, họ còn được cơ sở tổ chức mô hình dạy nghề sửa điện, cắt tóc, may, đồng thời cho lao động trồng rau, nuôi cá… Ngoài ra, nếu các địa phương có nhu cầu, cơ sở sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nghề “theo địa chỉ” ngay tại cơ sở, để sau khi trở về cộng đồng, họ có nền tảng kiến thức, từ đó tự tạo việc làm cho bản thân, tránh xa tệ nạn xã hội. Năm 2022, đơn vị đã tổ chức dạy nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề Điện dân dụng cho 35 học viên; phối hợp với các cơ sở sản xuất tại địa phương tiến hành truyền nghề và tổ chức cho học viên lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm với một số ngành nghề như: may, đan ghế nhựa giả mây, đan lông mi giả, chăn nuôi, trồng trọt... Cùng với đó, thực hiện dự án cải tạo vườn tạp trồng dừa kết hợp nuôi cá nước ngọt và nuôi gà thả vườn… được sản xuất theo phương châm chăn nuôi kết hợp trồng hoa màu để tạo ra sản phẩm để cải thiện bữa ăn cho học viên.
Ngoài ra, đơn vị còn duy trì tổ chức giáo dục định kỳ với 04 kỳ/tháng vào mỗi thứ 6 hàng tuần với 5.300 lượt học viên tham dự các chuyên đề về đạo đức lối sống, nhân cách cho học viên; giáo dục học viên tìm hiểu Luật phòng chống ma túy, qua đó giúp cho học viên hiểu được tác hại của ma túy, phải tìm cách tránh xa ma túy và những tác hại của ma túy gây ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và cho toàn xã hội. Tổ chức đánh giá xếp loại hằng tháng về sự chuyển biến của từng học viên để có biện pháp giáo dục phù hợp cho từng cá nhân, từng nhóm đối tượng. Ngoài ra Cơ sở còn giáo dục những học viên vi phạm nội quy, quy chế của Cơ sở. Đối với học viên vi phạm nhiều lần có tính chất nghiêm trọng, Cơ sở mời gia đình kết hợp để giáo dục và viết cam kết và tìm biện pháp sửa chữa cho đối tượng.
Một lớp học nghề đan lát tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau
Trong năm qua, đơn vị cũng đã kết hợp với Tòa án thành phố Cà Mau và các huyện tổ chức 04 phiên họp xét cho 04 đối tượng tạm quản lý trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào Cơ sở Cai nghiện bắt buộc; đề nghị Tòa án ban hành Quyết định miễn, giảm thời gian chấp hành cho 153 học viên; Phối hợp với phòng Bảo trợ và Bình đẳng giới - Sở Lao động – TB&XH và phòng Công tác chính trị, phòng Cảnh sát phòng chống ma túy - Công an tỉnh Cà Mau tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”.
Xây dựng môi trường trong xanh, lành mạnh
Bên cạnh công tác giáo dục hoà nhập, dạy nghề, nhiều năm nay, công tác khám điều trị, cai nghiện phục hồi sức khỏe, vệ sinh môi trường luôn được Cơ sở quan tâm, chú trọng  nhằm đảo bảo sức khỏe của cán bộ cũng như đối tượng, thu hút cán bộ làm việc lâu dài, tạo không gian sống an toàn, thân thiện cho học viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, không để bùng phát các dịch bệnh có nguy cơ cao.
Năm 2022, đơn vị lập bệnh án mới và cắt cơn cho 238 học viên, khám và điều trị bệnh thông thường cho hơn 13.710 lượt học viên, số học viên bị nhiễm HIV/AIDS là 08 trường hợp, chăm sóc và điều trị Lao là 07 trường hợp. Phối hợp với Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Bệnh viện Mắt – Da liễu khám sàng lọc học viên tại Cơ sở, chụp X-Quang cho 187 học viên; khám da liễu cho 32 học viên, khám mắt 6 học viên. Phối hợp Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội vào lấy mẫu máu tầm soát HIV/AIDS cho học viên với 141 mẫu máu (trong đó có 03 học viên dương tính với HIV/AIDS). Phối hợp Bệnh viện Thành phố Cà Mau vào lấy mẫu máu tầm soát HIV/AIDS cho học viên với 180 mẫu máu; Kết quả có 03 học viên dương tính với HIV/AIDS.
Nhằm tạo không gian sống an toàn, đơn vị thường xuyên kiểm tra môi trường phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa; tổ chức khám điều trị, cắt cơn, cai nghiện, phục hồi sức khoẻ cho học viên tại Cơ sở, đảm bảo thực hiện các quy trình chăm sóc sức khỏe như: vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, điều trị cách ly cho các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, các khu vực điều trị, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, lao động sản xuất cơ sở đều có khu vệ sinh riêng sạch sẽ, đảm bảo thông khí, đủ ánh sáng và bố trí thùng rác đầy đủ… Đơn vị cũng thực hiện nghiêm công tác giám sát chất lượng lương thực, thực phẩm, hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ, ghi rõ hạn sử dụng. Việc nấu ăn được tổ chức khoa học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Học viên dọn dẹp vệ sinh môi trường trong khuôn viên đơn vị
Có thể nói, việc quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường sống, bởi tạo môi trường sống an toàn, sạch sẽ, gần gũi với thiên nhiên cũng chính là góp phần tạo cảnh quan đơn vị và đảm bảo sức khỏe cho học viên. Khuôn viên cơ sở luôn được chăm sóc sạch đẹp, tạo cảm giác thư giãn để học viên yên tâm điều trị, sinh hoạt. Nhằm nâng cao ý thức xây dựng môi trường sống xanh sạch đẹp của học viên, lãnh đao cơ sở đã luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động viên chức, người lao động và học viên cùng chung tay xây dựng và bảo vệ môi trường. Với phương châm sạch không chỉ trong phòng ở, nơi sinh hoạt chung mà còn cả trong khuôn viên đơn vị. Cùng với đó, các học viên cũng được giáo dục về ý thức cộng đồng trong giữ gìn vệ sinh chung. Rác thải sinh hoạt được tập kết tại nơi theo quy định. Phân bón sử dụng để trồng cây là loại thân thiện với môi trường.
Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống học viên bạo động bạo loạn, gây rối; phòng, chống thẩm lậu; phòng, chống cháy, nổ; đảm bảo an ninh trật tự tại Cơ sở; kiên quyết xử lý những học viên vi phạm nội quy, quy chế; hạn chế tối đa tình hình học viên lưu giữ vật cấm và hủy hoại thân thể. Tăng cường công tác kiểm tra phòng ở học viên, chuyển đổi phòng ở học viên; tiếp tục xây dựng, ký kết Kế hoạch phối hợp với Công an huyện U Minh nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại Cơ sở; đảm bảo không có học viên trốn khỏi Cơ sở.
Đơn vị cũng sẽ tiếp tục duy trì công tác tư vấn, giáo dục học viên và thường xuyên tổ chức cho học viên vui chơi, giải trí, giúp cho học viên thoải mái, an tâm học tập, cai nghiện. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch phối hợp với Tòa án Nhân dân huyện U Minh, thực hiện có hiệu quả công tác xét miễn, giảm thời gian chấp hành cho học viên; thực hiện Dự án cải tạo vườn tạp trồng dừa kết hợp nuôi cá nước ngọt và nuôi gà thả vườn. Xây dựng kế hoạch đột phá về công tác lao động trị liệu cho học viên tại Cơ sở; liên kết các đối tác, tìm ngành nghề phù hợp nhằm kết nối dạy nghề - truyền nghề cho học viên.
 Thục Quyên