Thời sự
Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong các cơ sở GDNN
09:52 AM 30/06/2017
(LĐXH) - Chất lượng đào tạo có ý nghĩa quan trọng góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia. Đối với các cơ sở giáo dục nghể nghiệp, đào tạo có chất lượng sẽ khẳng định thương hiệu, uy tín và lợi thế cạnh tranh trong tuyển sinh đào tạo và cơ hội đầu tư.
Chất lượng và kỹ năng nghề quyết định sự phát triển của cơ sở GDNN
Để hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng cao cần phải trải qua một quá trình từ thay đổi vể nhận thức cho đến việc xây dựng các chính sách, thủ tục và hiện thực hóa các chính sách đó thông qua các hoạt động cụ thể nhằm tác động đến chất lượng đào tạo đáp ứng được mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy bên cạnh sự quản lý, chỉ đạo, điều hành và đầu tư của Nhà nước thì rất cần sự nỗ lực phấn đấu của các trường, trong đó cần thiết phải hình thành mô hình quản trị nhà trường hiệu quả.
Mặc dù các trường được lựa chọn ưu tiên tập trung đầu tư thành chất lượng cao là các trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng, nhưng vẫn còn khoảng từ 10-15% chưa được thực hiện đầy đủ hoặc chưa đạt yêu cầu. Việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, các hoạt động còn mang tính đơn lẻ, rời rạc và hiệu quả không cao. Do đó, cùng với việc ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên thì một giải pháp không kém phần quan trọng và có tính đột phá là phải cải tiến về quản trị nhà trường. Trong đó đề cao đến vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo một cách tổng thể và bền vững đó là “xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong nhà trường” định hướng đó cũng phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời góp phần đổi mới công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường; coi trọng quản lý chất lượng đó cũng là một trong những giải pháp nhằm đổi mới giáo dục nghề nghiệp.
Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng phải đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu là tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường; thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của trường trong từng giai đoạn; nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý, gắn kết với quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của trường và lấy người học làm trung tâm; huy động sự tham gia của tất cả cán bộ quản lý, nhà giáo nhân viên, người học; tiếp cận theo quá trình, gắn kết với hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phù hợp với thực tiễn của trường, dễ vận hành, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và cải tiến.
Hệ thống đảm bảo chất lượng sau khi được xây dựng phải được hiệu trưởng ký quyết định ban hành, công bố công khai để cán bộ, nhà giáo, nhân viên cùng các đối tượng khác có liên quan biết, triển khai thực hiện. Hằng năm, mỗi trường xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về xây dựng, vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện định kỳ và đột xuất đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả. Phòng chuyên trách lĩnh vực này có chức năng về đảm bảo chất lượng, tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát để báo cáo hiệu trưởng, Ban chỉ đạo…
Việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng là rất cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình công cụ quản lý nhằm đổi mới quản trị nhà trường theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả, xây dựng văn hóa chất lượng cũng như phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi thành viên trong nhà trường tham gia quản lý chất lượng, góp phần đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
PV
Từ khóa: Chuyển đổi; GDNN