Xã hội
Xây dựng hệ thống Bảo trợ xã hội có khả năng ứng phó với các cú sốc lấy trẻ em làm trọng tâm
09:22 PM 13/03/2019
(LĐXH) Ngày 13/3/2019, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp với tổ chức UNICEF, Ủy ban Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu xây dựng hệ thống Bảo trợ xã hội có khả năng ứng phó với các cú sốc lấy trẻ em làm trọng tâm tại Việt Nam.
Tham dự có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng, các chuyên gia tư vấn, đại diện các bộ, ban, ngành liên quan cùng một số địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại hội thảo
Báo cáo tại Hội thảo chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động mạnh của biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai xảy ra liên tục trong năm. Thống kê, trong năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, trong đó có 40 trẻ em, trên 1.400 trường học bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính 60.000 tỷ đồng. Năm 2018, mặc dù không có những cơn bão lớn đổ bộ vào Việt Nam nhưng thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra là rất lớn, gây thiệt hại nặng cho trường học, trạm y tế. Tổng số người chết và mất tích là 224 người, trong đó có 31 trẻ em, thiệt hại kinh tế khoảng 21.000 tỷ đồng. Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu và là đối tượng chịu tác động lâu dài nhất. Do thiên tai, các em có thể bị mất đi những cơ hội trong lĩnh vực giáo dục, dinh dưỡng, y tế và bảo trợ, bị ảnh hưởng khi các dịch vụ xã hội cơ bản bị gián đoạn. Ngoài ra, còn tăng nguy cơ lao động trẻ em, bị lạm dụng tình dục, bạo hành về tinh thần, sống phụ thuộc vào cha mẹ, những người chăm sóc để tồn tại trong những thời điểm khó khăn. Thống kê, hiện cả nước có khoảng 25% dân số có nhu cầu trợ giúp, bao gồm 11,3 triệu người cao tuổi, 7,8 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 1,4 triệu hộ nghèo, 1,059 triệu hộ cận nghèo, 2,8 triệu đối tượng cần trợ cấp và 1,68 lượt người thiếu đói.
TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày một số nội dung Đề án đổi mới trợ giúp xã hội
Để trợ giúp người dân, trong đó có nhóm trẻ em, Việt Nam đã phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế và đáp ứng nhu cầu người dân. Hệ thống chính sách bảo trợ xã hội hiện gồm 5 nhóm chính là: Trợ giúp khẩn cấp (trợ giúp đột xuất); Trợ cấp tiền mặt; Nhận chăm sóc thay thế; Chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở chăm sóc xã hội; Chăm sóc xã hội tại cộng đồng. Kết quả thực hiện chính sách, có 2,86 triệu người nhận trợ cấp tiền mặt; 1,6 triệu lượt người nhận hỗ trợ lương thực; trên 100 nghìn hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở; trên 400 cơ sở chăm sóc xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc tại trung tâm và cộng đồng; ngoài ra còn bảo đảm các điều kiện chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục, dịch vụ chăm sóc xã hội.
Hệ thống chính sách đã từng bước bảo đảm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và mức sống tối thiểu cho bộ phận dân cư có hoàn cảnh khó khăn; Từng bước bảo đảm nguyên tắc thống nhất, toàn diện, phù hợp với điều kiện kinh tế, đáp ứng nhu cầu người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống chính sách bảo trợ xã hội hiện còn thiếu sự thống nhất, toàn diện và chưa thật sự dựa trên quan điểm vòng đời. Các chế độ chính sách mức trợ giúp thấp, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu. Tính thích ứng để ứng phó với các cú sốc của người dân chưa cao. Còn một số rào cản trong việc tiếp cận chính sách như thủ công, thủ tục hành chính, công nghệ thông tin. Một bộ phận dân cư khó khăn chưa tiếp cận được chính sách.
Ông Steve Ashley- Chuyên gia tư vấn chia sẻ kểt quả nghiên cứu
Trên cơ sở đó, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng khả năng ứng phó với các cú sốc, trong đó lấy trẻ em làm trọng tâm như: Từng bước mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ khẩn cấp và dịch vụ chăm sóc; Hoàn thiện chính sách trợ giúp khẩn cấp dựa trên mức thiệt hại, mức tổn thương, hoàn cảnh cụ thể; Điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội, tính toán hệ số trợ cấp phù hợp với nhu cầu của từng nhóm tuổi; Cải cách hệ thống xác định đối tượng như ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống đăng ký, xét duyệt; Phân cấp, phân quyền cho địa phương, thúc đẩy xã hội hóa; Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chính sách như thanh toán điện tử, dịch vụ chăm sóc...
Ông Steve Ashley- Chuyên gia tư vấn, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, mục tiêu của bảo trợ xã hội ứng phó với các cú sốc là ứng phó hiệu quả hơn, ứng phó sớm hơn, chi phí có thể thấp hơn ứng phó khẩn cấp; ứng phó sớm và mang tính phòng ngừa hơn là ứng phó muộn và mang tính chống đỡ; bên cạnh bảo vệ mạng sống cũng cần bảo vệ sinh kế; tăng cường khả năng chống chịu của các gia đình và trẻ em trước những cú sốc. Do đó, cần điều chỉnh thiết kế của chương trình bảo trợ xã hội thông thường, chẳng hạn như mở rộng tiêu chí đối tượng thụ hưởng, chi trả tiền mặt gấp đôi và sớm; Tăng cường thêm bữa ăn tại trường học, tăng phúc lợi trẻ em; Mở rộng quy mô bao phủ, hỗ trợ thêm nhiều trẻ em tham gia thụ hưởng.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng, cần thiết phải thực hiện trợ cấp cho các gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em ứng phó với thiên tai rủi ro; quan tâm hỗ trợ toàn diện chính sách đối với người nghèo; từng bước thực hiện chính sách hỗ trợ cho những gia đình có thu nhập thấp, có trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đối với mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ, hiện nay các trung tâm bảo trợ xã hội bước đầu thực hiện chuyển sang cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo quy định tại Nghị định 103, với chức năng tiên tiến như phòng ngừa, phục hồi, hỗ trợ phát triển cộng đồng, tuy nhiên vấn đề đào tạo công tác xã hội, tâm lý trị liệu, điều phối dịch vụ, phối kết hợp hỗ trợ chưa đạt yêu cầu. Để đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội mới, các cơ sở trợ giúp cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể thực hiện được, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với thiên tai và rủi ro. “Chúng ta bước đầu thực hiện chuyển đổi hệ thống an sinh xã hội theo hướng mới, đó là chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang trợ giúp dựa trên quyền của người dân và dựa trên từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, hệ thống bảo trợ xã hội dưới góc độ ứng phó với thiên tai và rủi ro của người dân còn nhiều bất cập trong việc điều phối, cung cấp dịch vụ giữa các ngành. Có ca chúng ta cứ đều đều hỗ trợ gạo, có địa phương cứ hỗ nhà ở, nước sạch, vệ sinh, y tế. Song mỗi ca có hoàn cảnh, sự hỗ trợ riêng, do đó cần tổ chức tốt khâu đánh giá, quản lý ca, nhu cầu của người dân”, ông Hồi nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Văn Hồi cũng cho rằng, từ kết quả nghiên cứu được trình bày tại hội thảo, kinh nghiệm chia sẻ từ  UNICEF, Ủy ban Phòng, chống thiên tai, các đại biểu cần tiến hành nghiên cứu đánh giá về hệ thống bảo trợ xã hội dưới góc nhìn ứng phó với rủi ro thiên tai với trẻ em; đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, đưa ra khuyến nghị, giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới. Trên cơ sở đó thảo luận, đề xuất giải pháp, định hướng trong bối cảnh Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu xây dựng chiến lược về an sinh xã hội trong giai đoạn 2021- 2030 và nghiên cứu xây dựng Nghị định 136 sửa đổi, đặc biệt là hạ tầng nghiên cứu rủi ro thiên tai cho người dân, trẻ em; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, úng phó với rủi ro khẩn cấp đối với trẻ em tại địa phương mình./.
Hồng Phượng