Lao động
Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ
08:01 AM 05/12/2021
(LĐXH) Còn nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này cần được trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Ngày 4-12-2021 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp”.
 Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 100 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế cùng hơn 300 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành, viện, trường, doanh nghiệp nhà nước cùng đông đảo các cơ quan báo chí.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương;
đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
và đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
đồng chủ trì hội thảo
Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, Đề án được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu:“Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp” theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong báo cáo và các bài tham luận từ các Bộ, ngành, các tỉnh thành, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp cho thấy có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có thể kể đến một số vấn đề nổi bật như:
- Việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay, đúng như đánh giá của Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng nêu: “Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực”;Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp”.
- Một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống như Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đưa ra chủ trương: “Thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp” và Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đề ra chủ trương “Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.
 - Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước còn chịu sự điều chỉnh của  Điều 11, Quy định 69-QĐ/TW TW của Ban Bí thư ngày 13/02/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Trong đó quy định:  “Không bố trí phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên hoặc cùng cấp”..
Chính vì vậy, để tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các chuyên gia trao đổi về kinh nghiệm trong công tác cán bộ, và trọng tâm là việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp”  nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp giải pháp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn.
Toàn cảnh Hội thảo
Nội dung Hội thảo tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; theo dõi, đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, quản trị tại doanh nghiệp nhà nước; Thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn, lãnh đạo, điều hành, phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống,…; Thực trạng công tác quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách và quy định về quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030.
Sau hội thảo, các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu để hoàn thiện Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào năm 2022.
Thảo Lan