Giáo dục - Nghề nghiệp
Xây dựng Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần đào tạo đội ngũ lao động tri thức, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội
03:36 PM 30/11/2021
(LĐXH) - Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội có trụ sở tại 1018 đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân là Trường Trung cấp Lao động - Xã hội, được thành lập ngày 27/12/1976 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội).
Đến ngày 15/12/2006, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký Quyết định số 1906/QĐ- LĐTBXH, sáp nhập Trường thành Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội. Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội có chức năng, nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sỹ về lao động - xã hội và các ngành nghề khác có liên quan; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ giáo dục, đào tạo và phát triển kinh tế xã hội.
Bản vẽ phối cảnh tổng thể Cơ sở II Trường Đại học Lao động Xã hội trong tương lai 
Vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ
Qua các giai đoạn phát triển khác nhau, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội. Hiện tại, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội đang thực hiện theo Quyết định số 1060/QĐ-LĐTBXH ngày 22/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội gồm có 18 đơn vị, trong đó có: 09 Khoa (Khoa Quản lý nguồn nhân lực, Bảo hiểm, Công tác xã hội, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Lý luận chính trị, Luật, Ngoại ngữ và Giáo dục đại cương); 07 Phòng (Phòng Quản lý đào tạo, Tổ chức - Hành chính, Kế toán - Tài vụ, Quản trị - Thiết bị, Công tác sinh viên, Quản lý chất lượng, Khoa học và Hợp tác quốc tế);  02 Trung tâm (Thông tin thư viện, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng và Dịch vụ);  Tổ chức chính trị, đoàn thể: Công đoàn, Đoàn Thanh niên.
Đến nay Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội đã có bề dày lịch sử 45 năm xây dựng và phát triển, với những đóng góp tích cực, xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhà trường không ngừng đổi mới và ngày càng khẳng định vị thế về các lĩnh vực chuyên ngành mà trường đào tạo. Hoạt động tuyển sinh trong thời gian qua luôn đạt được những kết quả tốt, đảm bảo tuyển đủ 100% chỉ tiêu và chất lượng đầu vào. Đối tượng tuyển sinh chủ yếu từ các tỉnh miền Nam đến miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Trong thời gian gần đây, lượng sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh trúng tuyển và học tại Trường luôn nhiều hơn sinh viên ở các tỉnh khác.
Hiện nay, số lượng học viên và sinh viên của Trường là 4.731, trong đó: Trên đại học: 136 Học viên; Đại học hệ chính quy: 4.234 Sinh viên;  Đại học hệ vừa làm vừa học: 361 sinh viên. Công tác quản lý đào tạo đảm bảo đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao, hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp trên 95%.
Được sự cho phép của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm qua, Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội đã tổ chức 05 lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành công tác xã hội hạng III, IV dành cho 282 học viên là cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại Cơ sở xã hội thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, Thành phố như: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang; Phòng công tác xã hội của các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và cấp 282 chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành công tác xã hội trong đó 217 chứng chỉ hạng III và 65 chứng chỉ hạng IV.
Các hoạt động trên đã góp phần thực hiện mục tiêu là bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội đạt yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn chức danh theo Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, tiếp theo là giai đoạn 2021 - 2030; Đáp ứng nhu cầu cho viên chức chưa được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công tác xã hội viên hạng III, hạng IV; viên chức chuẩn bị thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; người lao động chuẩn bị thi viên chức công tác xã hội. Đồng thời, giúp Nhà trường nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy và tăng nguồn thu bù đắp phần tài chính bị cắt giảm chi thường xuyên theo lộ trình của Chính phủ cũng như chuẩn bị cho tự chủ đại học.
Đặc biệt, trong hợp tác quốc tế, Trường đã và đang hợp tác trực tiếp với (i) trên 21 đối tác là các tổ chức quốc tế như UNICEF, Caritas (Đức), WWO, E&D, RUUNISW (LB. Nga), SIF (Singapore), TFCF … và các trường Đại học nước ngoài có uy tín, được kiểm định chất lượng rộng rãi như Đại học IMC - Krems (Cộng hòa Áo), Grenoble (Cộng hòa Pháp), Sư phạm Mát - xcơ -va, Bang Ulyanovsk (Liên bang Nga), bang Arizona (Hoa Kỳ), Women’s Philippines. Trường triển khai (ii) 03 dự án xã hội với các đối tác Đức, Singapore trong đó có các dự án với Caritas - Đức hơn 15 năm qua (trung bình 50,000 Euro/3 năm); iii) tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước cho 20 cán bộ thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; iv) tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn với các đối tác Singapore, Anh, Nga…cho gần 500 lượt cán bộ, giảng viên, nhân viên CTXH, nhân viên tâm lý; v) thí điểm 02 văn phòng ứng dụng cung cấp dịch vụ CTXH trong khuôn viên Trường với đối tác Đức, Singapore;… 
Cần thiết nâng cấp thành cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc gia
Tuy nhiên, Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ do điều kiện cơ sở vật chất hiện tại đã xuống cấp nhiều. Hiện tại, Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội có 02 khu hành chính là A và B5, 03 khu giảng đường B1, B3, D (Đa năng) phục vụ giảng dạy và 03 khu Ký túc xá C1, C2, C3 phục vụ nhu cầu chỗ ở cho sinh viên. Cụ thể: Phòng học lý thuyết: 22 phòng (đầy đủ hệ thống thiết bị trình chiếu); Hội trường phục vụ đào tạo: 01 (200 chỗ ngồi); Phòng thực hành máy tính: 05 phòng (200 máy tính); Thư viện: Khoảng 160 m2, với sức chứa khoảng 50 sinh viên; Phòng ở Ký túc xá cho sinh viên: 88 phòng, với sức chứa khoảng 880 chỗ ở; Cơ sở tại 28 Mạc Đĩnh Chi Q1 TP.Hồ Chí Minh gồm 7 phòng học, hội trường với tổng diện tích 493 m2.
Theo đánh giá, cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là khu giảng đường B1, khu làm việc hành chính, thư viện, ký túc xá C2,C3; sân bãi phục vụ cho hoạt động học tập giáo dục thể chất, các hoạt động thể thao và ngoại khóa của sinh viên còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư kinh phí mua sắm, sửa chữa hàng năm còn hạn hẹp, thiết bị dạy học có được tăng cường nhưng chưa đồng bộ, thiếu chủng loại, chưa đảm bảo kỹ thuật.
Các công trình xây dựng của Cơ sở II Trường Đại học Lao động Xã hội đang được thi công khẩn trương
Trên thực tế, điều kiện cơ sở vật chất hiện tại của Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội còn mang tính chắp vá, chuyển đổi mục đích sử dụng và đã rất xuống cấp. Ngoài công trình nhà giảng đường H1, H2 đang triển khai xây dựng và nhà giảng đường B3, KTX C1 đưa vào sử dụng từ năm 2008 đến nay chưa có hoạt động sửa chữa nào lớn; hầu hết những công trình đang sử dụng đều được xây dựng từ thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, mà bản chất là những công trình nhà ở sau đó được cải tạo thành phòng học, nơi làm việc; nên thực tế đã xảy ra nhiều bất cập và không an toàn trong quá trình làm việc, học tập. Trong đó, khối nhà làm việc (khu hành chính) 02 tầng của Cơ sở II được xây dựng từ những năm 80, không gian làm việc chật hẹp, 17/19 đơn vị hiện nay phải làm việc trong diện tích chưa đến 25m2, toàn bộ khối nhà được chuyển đổi từ mục đích ban đầu là bố trí phòng ở cho đội ngũ cán bộ địa phương về học tập, nâng cao trình độ tại Trường thành khu làm việc hiện nay. Vì vậy, các phòng, khoa phải bố trí rời rạc, không có phòng cho sinh hoạt chuyên môn, khó khăn cho việc trao đổi công việc. Hội trường đang sử dụng hiện nay được Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội nâng cấp từ khung nhà tạm bằng sắt trước đây để bố trí làm hội trường cho đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên sinh hoạt chung. Thư viện hiện đang phải bố trí nhà tạm, xuống cấp nghiêm trọng với diện tích chưa đến 160m2 làm nơi để phục vụ khoảng 5.000 Sinh viên học tập, nghiên cứu, tham khảo tài liệu,…
Cơ sở II Trường Đại học Lao động Xã hội sau khi hoàn thành xây dựng sẽ có đủ điều kiện vật chất hiện đại phục vụ công tác đào tạo nhân lực 
Hiện nay, việc đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất theo chuẩn trong đào tạo đang được Chính phủ hết sức quan tâm, nhằm tạo ra đội ngũ lao động tri thức có tay nghề tốt cho xã hội. Chính vì vậy, trước những bất cập và khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quan tâm chỉ đạo và phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ (Ban Quản lý dự án) trực tiếp quản lý dự án.
Thực hiện sự chỉ đạo và phân công nhiệm vụ của Bộ, Ban Quản lý dự án sau khi tiếp nhận dự án đã cùng với chủ đầu tư khẩn trương triển khai các công đoạn, quy trình và công việc quản lý dự án. Ban đã sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ có đủ điều kiện về phẩm chất, trình độ chuyên môn và năng lực để thực hiện công tác quản lý dự án.
Cùng với Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội, tất cả bộ máy của Ban Quản lý dự án đều làm việc rất trách nhiệm, tâm huyết và nỗ lực hết sức để các hạng mục đầu tư của Dự án xây dựng Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội nhanh chóng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ hiệu quả công tác đào tạo của nhà trường nói riêng và lĩnh vực đào tạo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nói chung. Hơn lúc nào hết, từng cán bộ của Ban Quản lý dự án đều hiểu rõ rằng, hiện nay trước nhu cầu hội nhập quốc tế nên tất cả mọi lĩnh vực ngành nghề đều phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thời đại, trong đó giáo dục là một trong những cái cần thiết phải đổi mới để phù hợp với mục tiêu vươn xa tới tầm khu vực và quốc tế. Và việc Dự án xây dựng Cơ sở II Trường Đại học Lao động Xã hội nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy học tập để đào tạo ra các cán bộ có trình độ chuyên môn cao phục vụ nhu cầu nhân sự cho cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân và cả những công ty nước ngoài hiện đang kinh doanh tại Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết cần thực hiện.
Để triển khai Dự án, chủ đầu tư đã cùng Ban Quản lý dự án hoàn tất các thủ tục thanh lý, tháo dỡ giảng đường B2, B4, triển khai dự án xây dựng khu giảng đường H1, H2, sửa chữa văn phòng tại cơ sở 28 Mạc Đĩnh Chi đưa vào sử dụng. Đồng thời, bố trí, xây dựng thay thế bãi đậu xe đáp ứng nhu cầu gửi xe của sinh viên, cán bộ toàn trường; sắp xếp kiện toàn 27 giảng đường (22 phòng học lý thuyết, 05 phòng thực hành máy tính) tại khu B1, B3 và Đa năng, bố trí đủ phòng học đảm bảo công tác giảng dạy và học tập của Nhà trường sau khi tháo dỡ B2, B4.
Các hạng mục của Dự án xây dựng Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội đều được tư vấn, kiểm tra và giám sát rất chặt chẽ
Hiện tại, Ban Quản lý dự án và Cơ sở II Trường Đại học Lao động - Xã hội cùng với Công ty Cổ phần Tư vấn tài chính, đầu tư xây dựng Việt Nam đang theo dõi, giám sát chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng công trình nhà giảng đường H1, H2 với diện tích sàn 1.904 m2, tổng diện tích sàn xây dựng của 02 giảng đường là 11.483 m2. Dự kiến 02 giảng đường H1, H2 được đưa vào sử dụng vào quý I năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy của giảng viên, sinh viên.
Khi hoàn thành, dự án đạt mục tiêu thiết kế đề ra là cơ sở có đủ điều kiện vật chất hiện đại để đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sỹ về lao động - xã hội và các ngành nghề khác có liên quan cho các tỉnh miền Nam đến miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên; đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên Công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ Công tác xã hội và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung./.
Nguyễn Tuấn Anh - Trần Mỹ Hạnh