Lao động
"Xây dựng chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp..."
08:21 AM 31/03/2017
(LĐXH) - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong buổi làm việc với Cục An toàn lao động, diễn ra vào chiều ngày 30/3, cùng một số đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức Cục An toàn lao động...
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo kết quả của công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cũng như tình hình triển khai các nhiệm vụ của Cục trong thời gian qua, ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Triển khai Bộ luật Lao động (1994), Luật ATVSLĐ (2015), Cục đã xây dựng trình Bộ để trình Chính phủ 05 Nghị định, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 03 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng trình Bộ trình Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ lần 1 (giai đoạn 2006-2010), lần 2 (giai đoạn 2011-2015) và lần 3 (giai đoạn 2016-2020); trình Bộ trưởng ban hành trên 60 Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách về ATVSLĐ và ban hành các quy chuẩn KTATLĐ và quy trình kiểm định KTATLĐ.
Ông Hà Tất Thắng báo cáo kết quả công tác an toàn vệ sinh lao động thời gian qua
Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện được đẩy mạnh, đặc biệt là hệ thống truyền thông đại chúng đã mở các chuyên mục tư vấn, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ hàng tuần. Tính từ năm 2003 đến năm 2016, các ngành, địa phương đã phát hành đến tận tay người lao động và người sử dụng lao động trên 4 triệu tờ rơi, panô, khẩu hiệu, tranh, áp phích; Tổ chức thành công 18 Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN từ năm 1999-2016; Cục đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty tập trung tuyên truyền phổ biến Luật ATVSLĐ: tổ chức gần 20 khóa tập huấn, phổ biến các chính sách trong Luật ATVSLĐ; Tập huấn “Luật An toàn, vệ sinh lao động và các băn bản hướng dẫn thi hành” cho 63 Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Tổ chức 02 Hội nghị triển khai Luật ATVSLĐ và các chính sách cho hơn 300 giảng viên ATVSLĐ; Công tác Huấn luyện ATVSLĐ ngày càng được các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm, chú trọng. Hàng năm, có trên 37 ngàn lượt người sử dụng lao động và cán bộ ATVSLĐ, khoảng 2 triệu  người lao động và hàng trăm ngàn lượt nông dân được huấn luyện chương trình cải thiện ATVSLĐ, đã có hàng trăm tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ được biên soạn, chỉnh sửa, in ấn và phát hành tới người lao động, người sử dụng lao động.
Thời gian qua, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra về ATVSLĐ và thanh tra đối với các cơ sở dịch vụ hoạt động huấn luyện và kiểm định kỹ thuật ATLĐ. Mặc dù công tác thanh tra đã được chú trọng nhưng số lượng các cuộc thanh tra về ATVSLĐ còn rất hạn chế. Tính trung bình mỗi năm chỉ có 0,22% doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động.
Công tác thống kê, báo cáo TNLĐ, BNN được thực hiện 6 tháng, 1 năm. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực hiện công tác này còn hạn chế, hiện có khoảng 7% tổng số doanh nghiệp có báo cáo hàng năm về tình hình TNLĐ, BNN, số vụ TNLĐ được thống kê còn thấp so với thực tế. Vì vậy chưa phản ánh được bức tranh và thực trạng về tình hình TNLĐ hiện nay. Công tác tổng hợp, thống kê báo cáo về công tác ATVSLĐ và tình hình TNLĐ của các địa phương còn chậm, chưa chính xác. Hàng năm, có khoảng 50% biên bản điều tra tai nạn lao động gửi về Bộ đúng thời hạn.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo từ các Sở LĐTBXH, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 6.000 vụ TNLĐ, làm hơn 600 người chết. Số vụ TNLĐ không giảm nhưng tần suất TNLĐ có giảm hàng năm. Trung bình trong giai đoạn 2011 – 2015 tần suất TNLĐ chết người là 7,58/100.000 lao động, giảm 4,89% so với giai đoạn 2006 – 2010 (tần suất là 7,97/100.000 lao động).
Phát biểu đóng góp ý kiến cho công tác ATVSLĐ các đại biểu cho rằng: Hệ thống pháp luật về ATVSLĐ hiện đã khá đầy đủ để các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp vận dụng vào thực tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở cấp huyện, xã bộ phận làm công tác ATVSLĐ vẫn chưa có hiểu biết đẩy đủ về pháp luật ATVSLĐ. Vì vậy Bộ cần quan tâm, chỉ đạo công tác ATVSLĐ đến tận các địa phương, xã, phường, giúp Luật ATVSLĐ đi vào cuộc sống; Cần tăng cường thanh, kiểm tra đối với công tác huấn luyện ATVSLĐ để đảm bảo chất lượng góp phần ngăn ngừa TNLĐ, BNN; Cần chấn chỉnh công tác cấp phép cho các đơn vị kiểm định kỹ thuật an toàn lao động…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu thiết kế chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Cục An toàn lao động trong việc xây dựng thể chế, đặc biệt là các Nghị định, Thông tư rất có chất lượng. Sau khi Luật ATVSLĐ ra đời cùng với việc ban hành các văn bản pháp quy, các doanh nghiệp, các nhà quản lý, các nhà đầu tư và toàn xã hội đã có sự quan tâm tích cực hơn đến công tác này…
Để công tác ATVSLĐ đạt hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Cục An toàn lao động cần tập trung cao độ để xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Bên cạnh đó phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện để đảm bảo hệ thống pháp luật về ATVSLĐ đến tận địa phương, cơ sở và triển khai vào thực tiễn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại địa phương, cơ sở, chú trọng vào phòng ngừa là chính (tránh tình trạng để xảy ra TNLĐ rồi mới thanh tra); Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; Trong việc cấp phép (đơn vị kiểm định, huấn luyện…) cần công khai, minh bạch, tiến tới cấp phép trên mạng; Phối hợp với Vụ Bảo hiểm xã hội, Pháp chế để nghiên cứu sửa đổi nghị định quy định về Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Hiện tại quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN chỉ sử dụng vào việc giải quyết hậu quả của TNLĐ, BNN mà không có các hoạt động phòng ngừa. Vì vậy cần nghiên cứu, thiết kế chính sách để quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN.../.
Nguyễn Hiền