Xã hội
Xã Ea Púk: Sớm thoát nghèo từ mô hình nuôi bò cái sinh sản
06:08 PM 01/04/2020
(LĐXH) - Thông qua nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình, mô hình hộ trợ các gia đình nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế. Trong đó, mô hình bò cái sinh sản đang được Sở cho triển khai tại xã Ea Púk – huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk từ giữa năn 2019 bước đầu được đánh đây là mô hình tốt, phù hợp với địa phương, sớm giúp nhiều hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.

Anh Ngô Lộc tin tưởng từ con bò giống này gia đình anh sẽ thoát nghèo

Hộ nghèo được cấp bò mẹ để phát triển kinh tế

Để tìm hiểu về mô hình bò cái sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đang được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk phối hợp với huyện Krông Năng cho triển khai trên địa bàn một số xã của huyện Krông Năng. Chúng tôi tìm gặp ông Hồ Minh Tuy - Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng và được ông giới thiệu về xã Ea Púk, nơi được huyện cho triển khai chương trình này từ giữa năm 2019. Theo hướng dẫn chúng tôi tìm được đến hộ gia đình chị Lê Thị Xuân Hương (xã Ea Púk- huyện Krông Năng). Đây là một trong những hộ nghèo và cận nghèo của địa phương này được xét nhận bò cái sinh sản của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã triển khai từ cuối năm 2019. Chi Hương không có nhà, tiếp chúng tôi là anh Ngô Lộc chồng của chị. Anh Ngô Lộc cho hay, vợ anh đang đi cắt cỏ cho bò ăn ở ngoài rẫy.

Qua câu chuyện, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về mô hình nuôi bò cái sinh sản, anh Ngô Lộc chỉ tay về phía con bò của gia đình đang ung dung nhai cỏ trong chuồng kể, muốn được tham gia chương trình, trước tiên gia đình tôi phải làm cái chuồng cho nó. Cán bộ ấp, cán bộ xã đi kiểm tra thấy cái chuồng có mái tôn, nền bê tông,.. thoáng mát mới cho tham gia chương  trình. Từ ngày được xã cấp cho con bò này về nuôi hai vợ tôi thay nhau đi cắt cỏ cho nó ăn, có thêm việc làm thêm niềm vui. Nhất là khi cả hai vợ chồng ngồi uống nước ngắm bò, thấy nó ngày thêm béo tốt vui lắm. Sắp tới vợ chồng tôi sẽ cho nó phối giống đẻ con. Cảm ơn các cấp lãnh đạo đã quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình tôi và những hộ nghèo khác trong xã được tham gia chương trình, có con bò giống để làm kinh tế sẽ sớm thoát nghèo.

Trong số 23 con bò, các hộ nghèo và cận nghèo của xã Ea Púk được nhận từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, con bò giống của hộ anh Nguyễn Kim Thường hiện đã mang bầu, anh Nguyễn Văn Thể - Phó phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng, người trực tiếp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình này trên địa bàn huyện Krông Năng cho biết, khi chúng tôi gặp anh và cán bộ thú y của xã Ea Púk đang kiểm tra sức khỏe cho con bò cái của nhà anh Thường.

“Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Trong đợt xét tặng bò cái sinh sản để phát triển kinh tế vào cuối năm 2019, hộ nhà tôi đã được các cấp lãnh đạo ấp, xã,… xét chọn tặng bò mẹ. Vợ chồng tôi rất mừng! Vui hơn nữa, khi nhận con bò này về nó đã lớn, nặng hơn 140 kg và đang mang bầu. Cán bộ thú y xã cho hay, bò mẹ phát triển rất tốt, chỉ còn khoảng một tháng nữa là nó sẽ sanh. Vợ chồng tôi đã bàn với nhau sẽ tiếp tục nuôi con của nó đến lớn để lấy phân bón cho cây cà phê. Lớn rồi, bò đực thì bán, bò cái sẽ nuôi tiếp cho nó đẻ con. Khi nhà có nhiều con bò hơn nữa để làm kinh tế hộ nhà tôi sẽ giàu”: anh Thường vừa bốc cỏ cho bò nhà mình ăn vừa tâm sự với chúng tôi. 

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ đầu vào đến chăn nuôi



Người dân nhận bò giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Xã Ea Púk, hiện có 7 thôn với tổng số hơn 1.220 hộ và gần 5.300 khẩu, trong đó dân tộc kinh là 887 hộ, dân tộc tại chỗ 02 hộ, dân tộc khác 337 hộ. Số hộ nghèo là 131 hộ, chiếm tỷ trọng 10,7%, hộ cận nghèo là 572 hộ, chiếm tỷ lệ 46,73%. Khi có quyết định phân bố nguồn vốn và kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững các cấp có thẩm quyền xã Ea Púk đã cho triển khai, tuyên truyền sâu rộng cho người dân biết về chương trình. Đồng thời, thông báo cho lãnh đạo thôn, bản để cùng tham gia vào việc chọn lựa mô hình phát triển kinh tế cho các hộ nghèo và cận nghề của địa phương. Qua tham khảo và lấy ý kiến lãnh đạo xã và người dân thống nhất chọn mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản và đưa vào thực hiện từ tháng 9/2019.

Ông Phan Thanh Ban – Phó Chủ tịch UBND xã Ea Púk cho biết, đến nay, xã đã triển khai chương trình ở cả 7/7 thôn, buôn trên địa bàn, với 23 hộ nghèo và cận nghèo được thụ hưởng. Nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ cho các hộ dân đảm bảo công khai, dân chủ trong bình xét. Đồng thời, có sự tham gia và cam kết của người được thụ hưởng, phải thực hiện theo đúng quy định của dự án. Ngay từ đầu, Lãnh đạo UBND xã phân công cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ phụ trách chương trình cùng với các hộ gia đình cùng tham gia vào khâu chọn nhà cung cấp giống bò. Qua tìm hiểu từ 3 doanh nghiệp chuyên cung cấp bò giống, Lãnh đạo Đảng ủy, UBND, HĐND xã cùng cán bộ kỹ thuật, cán bộ phụ trách chương trình và các hộ dân với sự giám sát của Phòng Lao động – Thương binh, Phòng Nông nghiệp, Phòng thú Y huyện Krông Năng đã đi đến thống nhất chọn mua từ một nhà cung cấp tại địa phương.

“Chọn bò địa phương vì con giống thích hợp với môi trường, khí hậu và thổ nhưỡng, dễ nuôi và nhanh sinh sản. Đồng thời, các bên thống nhất với nhà cung cấp về trọng lượng của những con bò cái giống này phải nặng trên 140 kg trở lên và có giá bán chỉ từ 16 - 17 triệu đồng/con”: ông Phan Thanh Ban cho biết.

Khi đã đáp ứng đủ yêu cầu của chương trình, nhà cung cấp còn phải để người dân được tự chọn cho mình con bò giống ưng ý nhất. Sau đó, nhà cung cấp triển khai cho tiêm phòng, đánh dấu và chuyển chuồng cho nuôi cách ly những con bò dân đã chọn, theo dõi tiếp một tháng nữa. Trong thời gian bò nuôi cách ly theo dõi, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Phòng nông nghiệp, Phòng Thú y của huyện và Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã Ea Púk cùng người dân giám sát về trọng lượng, sức khỏe của con bò giống này. Qua một tháng nếu bò phát triển bình thường, đủ điều kiện theo quy định của chương trình UBND xã ra thông báo cho người dân đến nhà cung cấp nhận bò về nuôi. Sau đó, hằng tháng cán bộ thú y của xã thường xuyên tới các hộ gia đình để kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cách chăm sóc con giống.

Ông Phan Thanh Ban cho biết thêm, trong số 23 con bò cung cấp cho các hộ nghèo và cận nghèo trong xã Ea Púk trong năm 2019 chỉ có 01 con bị rơi xuống hồ, đã lập biên bản kiểm tra, xác nhận ở cấp thôn và xã (hiện gia đình đang tìm mua bù lại con khá), còn lại 22 con đang phát triển rất tốt. Đáng mừng là hiện đã có 3 con đang mang bầu và sắp đẻ. Theo tính toán của cán bộ theo dõi chương trình, sau khi đẻ bê con, nuôi khoảng 7-8 tháng tuổi sẽ có giá khoảng từ 7- 9 triệu đồng/con bê đực, nếu là bê cái sẽ được giá hơn. Đây là nguồn thu nhập khá lớn cho các hộ nghèo và cận nghèo để từng bước thoát nghèo bền vững.

“Qua công tác triển khai theo dõi chúng tôi nhận thấy đây là mô hình tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, phương thức chăn nuôi đảm bảo dinh dưỡng, tiết kiệm công lao động lại sớm magn lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình. Qua đó, góp phần ổn định đời sống cho các hộ được tham gia chương trình, từng bước thoát nghèo bền vững”: ông Ban đánh giá về chương trình.

Đăng Hải