Xã hội
Xã Chiềng Công (Sơn La) nỗ lực giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân
11:58 AM 23/05/2020
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Công ( huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân vùng cao đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, từng bước vươn lên thoát nghèo. Năm 2019, Chiềng Công đã giảm được hơn 100 hộ nghèo.
Mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng của người dân bản Tảo Ván, xã Chiềng Công
Là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, kinh tế của người dân xã Chiềng Công chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 62,7%. Để từng bước xóa đói, giảm nghèo, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không trông chờ ỷ lại, chủ động phát triển sản xuất. Cùng với đó, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, phân công trách nhiệm, giao chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn thể xã xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. 
Gia đình anh Mùa A Nếnh ở bản Tảo Ván là một trong những hộ tiêu biểu về ý chí nghị lực vươn lên thoát nghèo. Trò chuyện với anh Nếnh được biết, xã đã tạo điều kiện cho gia đình anh vay 10 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với số tiền tiết kiệm, gia đình anh đã đầu tư làm chuồng trại, mua con giống phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò. Hiện gia đình anh có 10 con trâu, bò, 6 con lợn thịt. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, gia đình anh còn trồng gần 3 ha cây thảo quả dưới tán rừng, trong đó gần 2 ha đã cho thu hoạch, vụ năm nay, thu hoạch 8 tấn quả tươi, bán được 160 triệu đồng. Anh Nếnh chia sẻ: Nhờ phát triển chăn nuôi, trồng thảo quả đã mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, có điều kiện làm nhà mới khang trang và chăm lo cho con cái học hành chu đáo.
 Táo sơn tra là cây trồng không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc
Tìm hiểu được biết,  ngoài canh tác gần 1.000 ha ngô, sắn; gần 320 ha lúa nương; 90 ha lúa ruộng, những năm gần đây, bà con ở các bản trong xã Chiềng Công đã trồng cây sơn tra, thảo quả, sa nhân dưới tán rừng, bước đầu đem lại thu nhập khá. Trong đó, trên 460 ha cây sơn tra (gần 250 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 2.000 tấn/năm); trên 83 ha thảo quả, với hơn 30 ha đã cho thu hoạch quả, năng suất trung bình trên 6 tấn quả tươi/ha và hơn 3 ha cây sa nhân. Ngoài ra, trong năm 2019, từ nguồn vốn sự nghiệp nông thôn mới và nguồn vốn sự nghiệp phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, bà con đã trồng 20 ha mận hậu ghép ở 6 bản: Mạo, Tảo Ván, Chông Dủ Tẩu, Nông Hùn, Co Sủ Trên và bản Mới; hơn 56.800 cây sơn tra từ Chương trình 30a. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa được chú trọng phát triển, riêng năm 2019, các chương trình 135, 30a đã hỗ trợ gần 100 bò cho các hộ nghèo trên địa bàn xã; duy trì chăm sóc hơn 2.200 con trâu, bò, ngựa, gần 1.000 con dê, hơn 2.000 con lợn và hơn 14.200 con gia cầm các loại.
Ông Lầu A Say, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chiềng Công đã và đang được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cùng với nguồn kinh phí của các chương trình, dự án hỗ trợ, người dân trong xã đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, thu nhập bình quân hiện mới chỉ đạt hơn 7,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Bởi vậy, thời gian tới, xã đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình trồng thảo quả, sa nhân, sơn tra, từng bước nâng cao thu nhập, phấn đấu giảm nghèo bền vững.
 PV