Xã hội
Vùng biên giới Con Cuông nỗ lực thoát nghèo
04:11 PM 29/11/2018
(LĐXH)-Con Cuông là một huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ hộ đói nghèo còn lớn, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, huyện Con Cuông đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư cho con cái học hành... Nhờ đó, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, chất lượng cuộc sống dần được nâng lên.
Xác định nhiệm vụ là phục vụ người nghèo, đồng bào DTTS, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, chi nhánh NHCSXH huyện luôn duy trì tốt hoạt động điểm giao dịch tại các các xã, thôn, bản, thực hiện giao dịch cố định vào các ngày trong tháng, giúp người dân bớt thời gian đi lại, tốn kém. Ngoài ra, ở các thôn, bản còn có các tổ giao dịch lưu động để phối hợp các hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay để phát huy hiệu quả cao nhất. Đồng thời giảm thủ tục không cần thiết, công khai bảng biểu về chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay, dư nợ và các văn bản mới liên quan đến tín dụng chính sách…, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn vay vốn dễ dàng.
Nhờ vốn ưu đãi thông qua hoạt động tín dụng, công tác xóa đói giảm nghèo vùng biên giới, huyện Con Cuông đang ngày càng khởi sắc.
Một trong những khó khăn lớn nhất của người nghèo ở miền núi hiện nay vẫn là thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Xác định được điều đó, những năm qua, NHCSXH huyện Con Cuông  đã tạo mọi điều kiện để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể...
Trên cơ sở đó, đã có ngày càng nhiều hộ dân đầu tư phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến 30/9/2018, NHCSXH Con Cuông có tổng dư nợ hơn 300 tỷ đồng; trong đó, số dư nợ cho vay hộ nghèo và cận nghèo hơn 102 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 3 năm từ 2016 - 2018 đã có trên 3.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Phần lớn các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy khá tốt hiệu quả vốn vay trong phát triển kinh tế.
Từ nguồn nguồn vốn vay, chị Hữu đầu tư trồng chè kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình chị Phan Thị Hữu, thôn Trung Yên xã Yên Khê cũng nhờ vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng đã đầu tư phát trển chăn nuôi, trồng vườn. Hiện gia đình chị đã 3 con bò sinh sản, hàng trăm con gà, 8 con lợn thịt và 8 sào chè kinh doanh. Không chỉ ổn định cuộc sống hiện gia đình đã xây được căn nhà khang trang.
“Chính sách hỗ trợ hộ nghèo rất thiết thực, như gia đình chúng tôi đây may nhờ nguồn vốn nay để đầu tư mua cây con giống phát trển sản xuất. Hiện gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả hơn trước nhiều. mặc dù chưa có của ăn của để, nhưng điều chúng tôi cần là đã có nhà để ở, có tư liệu để sản xuất. Sắp tới gia đình muốn xin thoát nghèo để nhường lại suất hộ nghèo cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình” - chị Hữu bày tỏ.
Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở Thôn lam trà, xã Bồng khê, Huyện Con Cuông, một hộ gia đình nghèo ở miền xuôi di dân lên xây dựng kinh tế mới tại huyện Con cuông. Ban đầu 2 bàn tay trắng không có vốn để làm ăn, gia đình anh Trung vô cùng khó khăn. Để có việc làm, có thu nhập, anh đã mạnh dạn vay vốn và được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng, cộng thêm vốn của gia đình, dự án của Nhà nước hỗ trợ 50 gốc cam ban đầu, anh đã khởi nghiệp từ mô hình trồng cam. Anh kiên trì học hỏi kỹ thuật chiết ghép giống cam, kỹ thuật chăm bón cho cam. Qua nhiều năm chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, vườn Cam của anh đã phát triển tốt và cho quả ngọt, được thương lái các nơi tìm đến để mua. Theo tính toán của anh với diện tích gần 3ha cam (1500 gốc cam) đã cho anh thu hoạch mỗi mùa 5-6 tấn quả, trừ mọi chi phí còn thu lãi về trên 200 triệu đồng.
Việc phát huy hiệu quả từ chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp huyện miền núi Con Cuông giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2-3%. Tín dụng chính sách đã hỗ trợ kịp thời cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn được tiếp cận vốn và hỗ trợ sản xuất. Nhiều gia đình hội viên nông dân giải quyết được vấn đề tài chính cho con ăn học, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề…, qua đó không chỉ xóa nghèo cho mình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác cũng thoát nghèo vươn lên, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững mà địa phương đã đề ra.
PV