Văn hóa - Thể thao
Võ sư cao cấp Nguyễn Văn Thắng – Nhờ võ thuật bén duyên với điện ảnh
08:51 PM 19/10/2020
Ngày 8/10/2020 tại Hà Nội, Hội Võ thuật Hà Nội đã tặng Cờ và trao Quyết định thăng cấp Võ sư cao cấp cho võ sư Nguyễn Văn Thắng vì có công bảo tồn, gìn giữ và phát triển võ cổ truyền Việt Nam tại khu vực quận Long Biên nói riêng và Hà Nội nói chung. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Gia đình và Trẻ em đã có cuộc phỏng vấn xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của vị Chủ nhiệm Võ đường Bắc Long Biên, Hà Nội.
Đại võ sư quốc tế Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch liên đoàn võ thuật cổ truyền Quốc gia Việt Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội và Võ sư cao cấp Vũ Hải, Phó Tổng thư ký - Trưởng ban Nội chính trao Cờ và Giấy chứng nhận thăng hạng Võ sư cao cấp cho Võ sư Nguyễn Văn Thắng.
Duy trì và phát triển tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam
? Xin chúc mừng Võ sư cao cấp Nguyễn Văn Thắng! Xin anh cho biết những điều kiện, tiêu chí gì để được công nhận là “Võ sư cao cấp Hội Võ thuật Hà Nội”?
Võ sư Nguyễn Văn Thắng: Để được vinh danh “Võ sư cao cấp Hội Võ thuật Hà Nội” không phải “muốn” hay “thích” là được. Đó là cả quá trình đóng góp không mệt mỏi cũng như có những thành tích trong võ thuật, được sự ghi nhận của cộng đồng, các đại võ sư cũng như chính quyền địa phương.
Cách đây hơn chục năm, tôi đã được phong “Võ sư” vì đã tham gia giảng dạy ở các trường học, giúp các em học sinh tránh xa tệ nạn xã hội, có sức khỏe để giúp đỡ gia đình và có cống hiến cho xã hội. Song song với đó là Võ đường của tôi luôn tích cực tham gia đóng góp vào các phong trào của Hội Võ thuật Hà Nội và phát triển võ cổ truyền trong cộng đồng với tiêu chí “Vì sức khỏe cộng đồng và nâng cao tinh thần thượng võ dân tộc”. Đồng thời, các học trò của tôi đạt nhiều huy chương trong các chương trình biểu diễn và thi đấu võ thuật.
Bản thân tôi đang là công chức Nhà nước thuộc đội quản lý thị trường số 1 Thành phố Hà Nội nhưng tôi dạy võ cho các em bằng cái tâm, tấm lòng của tôi. Chính vì thế, các học trò của tôi rất đông, có cả cảnh sát cơ động, các đồng chí là chỉ huy công an phường… Có nhiều em sau một thời gian học võ, từ chỗ nhút nhát hoặc chơi bời lêu lổng, các em đã dần tự tin hơn, ngoan ngoãn lễ phép và có hiếu với bố mẹ. Các em rất kính trọng và coi tôi như người cha. Phụ huynh cũng rất tin tưởng khi gửi con đến học, họ trân trọng và quý mến tôi.
Trong quá trình huấn luyện, Võ đường Bắc Long Biên của tôi đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO Việt Nam) nhiều lần đến thăm và tặng thưởng 5 Bằng khen “Vì sự nghiệp duy trì và phát triển tinh hoa võ thuật Việt Nam”. Võ đường cũng được Thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa thể thao tặng Kỷ niệm chương và Chứng chỉ trong Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Tôi cảm thấy thật vinh dự, tự hào và tự nhủ mình càng phải có ý thức trách nhiệm duy trì và phát triển tinh hoa võ thuật theo tiêu chí của Liên đoàn võ thuật Việt Nam cũng như Hội võ thuật Hà Nội.
Đại diện lãnh đạo Hội Võ thuật Hà Nội chúc mừng Võ sư Nguyễn Văn Thắng
? Để thành danh được như ngày hôm nay, ai là người có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp võ thuật của Võ sư?
Võ sư Nguyễn Văn Thắng: Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống võ thuật. Cụ tôi, ông tôi từng là võ sư trong các triều đại phong kiến nước Việt. Cha tôi cũng là một võ sư có tiếng tại thị trấn Gia Lâm (cũ) nên niềm đam mê võ thuật ngấm vào người tôi lúc nào không hay.
Suốt thời trai trẻ, tôi luôn hiếu động, gây lộn và đam mê võ thuật. Hàng ngày, vào mỗi buổi chiều, tôi được người cha luôn nghiêm khắc kèm cặp về kỹ năng tự vệ bản thân cũng như các động tác kỹ thuật đối kháng.
Ngày 17/2/1979 chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, tôi tham gia quân ngũ, đã trải qua công tác huấn luyện bộ binh, làm anh nuôi và sau đó được tuyển vào Đại đội 20 (Đại đội trinh sát của Trung đoàn) nên đó cũng là môi trường tốt để tôi được rèn luyện nhiều kỹ năng của võ thuật.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương vào năm 1983, với niềm đam mê thể thao và khát vọng theo đuổi đỉnh cao của võ thuật, tôi đã không ngừng tìm hiểu võ thuật, tầm sư học đạo và đã nhận được sự chỉ dạy tận tình của ba người thầy đáng kính đó là: Võ sư Phan Dương Bình - một trong bảy ngôi sao võ thuật của Hà Nội, Võ sư Nguyễn Tỵ  - Trưởng môn phái Nam Hồng Sơn và Võ sư Trịnh Quốc Định “Bàn tay Vàng” của làng võ Hà Nội.
Nhà Sử học – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ở giữa) chúc mừng Võ sư cao cấp Nguyễn Văn Thắng.
Võ sư cao cấp gây ấn tượng mạnh trên màn ảnh
? Được biết, không chỉ là võ sư, anh còn tích cực tham gia đóng rất nhiều phim. Vậy cơ duyên nào đưa Võ sư đến với điện ảnh?
Võ sư Nguyễn Văn Thắng: Nhờ có võ thuật mà tôi bén duyên với điện ảnh. Đó là năm 2002, tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tình cờ đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh chứng kiến tôi biểu diễn các thế đánh đối kháng và chiêu thức dùng lực đánh bục đít chai rượu tây, anh đã ngay lập tức reo lên: "Kiểm "dê" đây rồi!". Đó là vai diễn một trùm xã hội đen vô cùng nguy hiểm, giỏi võ và mê gái nhưng cuối cùng cũng thất thủ trước lực lượng công anh trong bộ phim "Thức tỉnh" mà đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh đang tìm kiếm.
Sau bộ phim đầu tiên, tôi được các đạo diễn truyền tai nhau và đến giờ tôi đã tham gia diễn xuất trong hơn 50 bộ phim từ cổ trang, lịch sử, tâm lý xã hội, phim hài cho đến hành động, các seri phim “Cảnh sát hình sự” với nhiều dạng vai, từ giám đốc, chủ doanh nghiệp, đầu gấu – xã hội đen đến những vai diễn biểu đạt cảm xúc nội tâm… Tôi ấn tượng nhất là vai quan cai ngục trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ”. Ngoài ra, tôi còn tham gia chỉ đạo võ thuật trong hơn 10 phim như: “Chuyện tình đảo cát”, “Miền đất hứa”, “Chiến hạm nổ tung”, “Đột kích”,  “Đinh Tiên Hoàng Đế” và “Những đứa con biệt động Sài Gòn” (phần 2), “Long thành cầm giả ca”, “Thái sư Trần Thủ Độ”... Cái mà tôi muốn và đã cho người xem thấy được trong các pha hành động do mình thủ vai cũng như cố vấn võ thuật là không chỉ có sự mạnh mẽ, thô ráp mà còn khéo léo, tinh tế, biến hóa kỳ diệu. Sức mạnh của võ không chỉ nằm ở sự dũng mãnh của đòn đánh, thế đánh mà chính ở sự mềm dẻo, linh hoạt và hiểm hóc.
Đối với tôi, diễn xuất không chỉ là đam mê mà nó còn thể hiện trách nhiệm, sự yêu nghề, nhiệt tình của một người nhà võ. Khi tôi được các đạo diễn tin tưởng giao vai, đó là một niềm vui vô bờ bến. Đáp lại sự yêu mến của mọi người, tôi chỉ biết hoàn thành vai diễn của mình một cách tốt nhất. Không để ai phải thất vọng về mình.
Võ sư Nguyễn Văn Thắng biểu diễn chiêu thức dùng lực đánh bục đít chai rượu tây tại Làng văn hóa 54 dân tộc anh em.
? Từng tham gia đóng trên 50 phim truyền hình và điện ảnh, chỉ đạo võ thuật hơn 10 phim, vậy anh thấy mình thành công nhất ở dạng vai nào? Kỷ niệm nào đáng nhớ trong quá trình đóng phim của anh?
Võ sư Nguyễn Văn Thắng: Tôi thấy mình hóa thân xuất sắc trong các vai “đại ca”, xã hội đen bởi ngoại hình tôi đã nói lên điều đó. (cười). Bạn bè hay gọi tôi với biệt danh là “Thắng cua”. Tôi có vốn sống phong phú, quan hệ rộng, tiếp xúc, va chạm nhiều với nhiều thành phần trong xã hội nên khi thể hiện nhân vật ở dạng vai này, tôi chỉ cần đọc qua kịch bản là có thể diễn mà như không diễn. Đôi khi, tôi còn góp ý các câu thoại cho đạo diễn để đời sống nhân vật trong phim “đời” hơn.
Kỷ niệm đáng nhớ của tôi trong quá trình đóng phim đó là khi đang diễn xuất, nghe vợ báo con trai đi xe máy không may bị tai nạn rất nặng, đang cấp cứu, phải về nhà ngay. Khi đó, vì trách nhiệm với đoàn làm phim, tôi không nói với ai mà tập trung cao độ để hoàn thành những cảnh quay cuối cùng trong phim “Đột Kích” ở Mai Châu (Hòa Bình). Tôi đã bật khóc khi hóa thân quá đạt cho một vai diễn mà tôi liên tưởng đến cậu con trai đang bị tai nạn. Quay xong, cả đoàn làm phim liên hoan, khi đó tôi mới cáo lỗi và xin phép về nhà ngay. Đạo diễn khi đó mới biết nên rất cảm kích và điều lái xe chở tôi về Hà Nội.
Thắng "cua" cùng diễn viên Công Dũng trong phim “Huyền sử thiên đô”
? Một mình đảm nhiệm cả 3 vai: Công chức, võ sư và diễn viên. Vậy làm thế nào để anh có thể dung hòa được giữa sự nghiệp và gia đình?
Võ sư Nguyễn Văn Thắng: Đối với mình, tôi luôn tâm niệm phương châm sống: “Có khí không hung hăng, có tâm không hẹp hòi, có tài không khệnh khạng, sống chan hòa, chuẩn mực với mọi người, không vi phạm pháp luật, không làm điều thất đức”.
Đối với học trò, tôi luôn dạy dỗ các võ sinh của mình tinh thần: “Tôn sư trọng đạo, học hỏi, đoàn kết, nhân ái”.
Đối với vợ: Tôi nhận mình là con nhà võ chân chính thì không bao giờ dùng vũ lực hoặc nặng lời với phụ nữ nhất là những người phụ nữ yêu thương mình. Dù có đào hoa đến mấy thì với tôi vợ vẫn là số Một, không người phụ nữ nào có thể thay thế được vị trí đó. Cho nên mỗi khi vợ giận, dù đúng hay sai, tôi vẫn luôn là người nhường nhịn và thể hiện sự quan tâm với vợ bằng những hành động thiết thực nhất.
Xin cảm ơn Võ sư Nguyễn Văn Thắng. Xin kính chúc anh luôn dồi dào sức khỏe và thành công với mọi niềm đam mê!
Đông đảo Võ phái, Võ đường nổi tiếng, bạn bè và nhiều môn sinh tới chúc mừng Võ sư cao cao cấp Nguyễn Văn Thắng.
Đức Dương (thực hiện). Ảnh: Thanh Tùng